Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư về thực phẩm và TĂCN biến đổi gen

Sáng ngày 10 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.

 

Từ khi được đưa vào ứng dụng và thương mại hóa từ năm 1996 đến nay, cây trồng biến đổi gen được xem là công nghệ được ứng dụng nhanh nhất trong lịch sử. Theo thống kê, năm 2012 diện tích cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu đã đạt 170 triệu ha, tăng 100 lần so với năm 1996.

Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép khảo nghiệm cho 8 sự kiện ngô chuyển gen, và đến nay đã công nhận việc khảo nghiệm đối với 5 sự kiện.
Do đó, theo Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, sau khi được khảo nghiệm, các giống ngô biến đổi gen này sẽ tiến hành việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học và Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.

Trước điều kiện thực tế đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) là đơn vị được giao xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

“Hiện nay, mỗi năm nước ta phải nhập hơn bốn triệu tấn đậu tương, khô dầu đậu tương và 1,5 triệu tấn ngô, trong đó có sản phẩm biến đổi gen. Việc ban hành quy định này nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sử dụng thực vật làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi” – Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết.
Ngoài ra, văn bản cũng tạo điều kiện phát triển cho công nghệ sinh học, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng và cũng nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Theo dự thảo Thông tư được xin ý kiến, thực vật biến đổi gen chỉ được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi khi đáp ứng các yêu cầu sau:
– Hội đồng an toàn thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi kết luận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.
– Thực vật biến đổi gen đó được ít nhất năm nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Những ý kiến này sẽ là cơ sở để Ban soạn thảo dự thảo Thông tư chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Thông tư.
Dự kiến Thông tư sẽ được ban hành trong thời gian cuối năm 2013.

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học