Hội thảo “Nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực an toàn sinh học và đề xuất các quy định tại Việt Nam”

Ngày 19 tháng 7 năm 2016, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) và Chương trình Hệ thống an toàn sinh học Hoa Kỳ (PBS) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực an toàn sinh học và đề xuất các quy định tại Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học – TS. Phạm Anh Cường cho biết, năm 2014 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 23 của Nghị định thư bổ sung và tính đến nay đã có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ gia nhập Nghị định thư bổ sung này. Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2014 về việc Việt Nam gia nhập Nghị định thư bổ sung, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan xây dựng và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực an toàn sinh học. Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã tiến hành các hoạt động nhằm triển khai các nội dung về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực an toàn sinh học. Việc tổ chức Hội thảo ngày hôm nay nhằm cung cấp các thông tin, cập nhật các kinh nghiệm quốc tế về việc thực hiện nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực an toàn sinh học cũng như đề xuất các quy định về vấn đề này tại Việt Nam.

Tại hội thảo TS. Gregory Jaffe, Giám đốc dự án Công nghệ sinh học, PBS đã giới thiệu tổng quan về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực an toàn sinh học, và quy định có liên quan tại một số quốc gia như: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Phillipines và thông tin chung về một số quốc gia tại châu Phi như: Tonga, Ghana, Kenya, Tanzania. Tuy nhiên, các bài trình bày của TS. Gregory Jaffe cũng đã đưa ra cho đến nay chưa ghi nhận được các sinh vật biến đổi gen gây tác hại đến môi trường hoặc đa dạng sinh học và kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, việc xây dựng và ban hành các quy định về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực an toàn sinh học thường được lồng ghép vào các quy định về môi trường nói chung và tuân thủ theo các quy định về trách nhiệm pháp lý đối với sản phẩm, bồi thường khi có tổn hại, quy định về hợp đồng…
Đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và TS. Hoàng Ly Anh (Đại học Luật Hà Nội) đã trình bày Nghiên cứu về Rà soát các quy định liên quan đến nghĩa vụ pháp lý và bồi thường và đề xuất quy định về vấn đề này tại Việt Nam. Quan điểm của Việt Nam trong quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen là dựa trên nguyên tắc phòng ngừa là chính đồng thời quan tâm đến môi trường và sức khoẻ con người, tạo điều kiện để công nghệ sinh học phát triển. Để xây dựng văn bản quản lý về nội dung này tại Việt Nam, nhóm công tác đã đề xuất các nội dung như: Sự cần thiết xây dựng quy định về trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen (cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn); phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; việc xác định chủ thể, các bên liên quan khi xảy ra thiệt hại, các loại hình trách nhiệm áp dụng khi xảy ra rủi ro; xác định các mức độ thiệt hại khi yêu cầu thực hiện việc bồi thường; tổ chức chịu trách nhiệm đánh giá các mức độ thiệt hại; trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra rủi ro và cơ chế xử lý; cơ chế bồi thường thiệt hại; chế độ thông tin, báo cáo khi xảy ra rủi ro; việc giám sát thực thi và sự tuân thủ trong thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra rủi ro, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đưa ra các yêu cầu bồi thường thiệt hại khi xảy ra rủi ro…

Phần trình bày của PGS.TS. Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nêu việc quản lý an toàn sinh học tại Việt Nam và vấn đề bồi thường thiệt hại đối với đa dạng sinh học. Kết luận bài trình bày, PGS. Toản cho biết, vấn đề bồi thường thiệt hại chưa được quy định đầy đủ tại các văn bản liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sinh vật, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và an toàn sinh học,

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học