Hợp tác quốc tế trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần vào nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu trước những thách thức như nạn săn bắt động vật hoang dã, phá rừng, biến đổi khí hậu… Do đó, việc tiếp tục mở rộng hợp tác, áp dụng công nghệ và nâng cao nhận thức cộng đồng là rất quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam là thành viên tích cực của nhiều công ước quốc tế quan trọng liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, bao gồm: Công ước Đa dạng Sinh học (CBD): Cam kết bảo vệ và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; Công ước Ramsar (1971): Bảo vệ các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, với 9 khu Ramsar tại Việt Nam (như Vườn quốc gia Tràm Chim, Vườn quốc gia Xuân Thủy); Công ước CITES (1973): Kiểm soát và hạn chế buôn bán động thực vật hoang dã nguy cấp; Công ước Bonn (CMS): Bảo vệ các loài di cư xuyên biên giới; Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính thông qua bảo vệ rừng (REDD+): Hợp tác với nhiều quốc gia như Na Uy, Đức, Nhật Bản để bảo tồn rừng và giảm phát thải CO₂.

Không chỉ vậy, việc thắt chặt hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực về môi trường đã giúp thực hiện hiệu quả các dự án bảo tồn, góp phần không nhỏ vào nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế và bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái của quốc gia, cũng như cải thiện sinh kế cho người dân địa phương và các nhóm người dễ bị tổn thương. Một số tổ chức quốc tế đã và đang có sự phối hợp chặt chẽ với Việt Nam phải kể đến: Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF); Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF: Hợp tác trong bảo tồn hổ, sao la, voi, rừng ngập mặn và đa dạng sinh học; Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN: Thực hiện các dự án bảo tồn sinh cảnh, bảo vệ các loài nguy cấp; Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP: Hỗ trợ quản lý rừng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc FAO: Thực hiện các chương trình bảo vệ rừng, phát triển nông nghiệp bền vững.

Một số dự án lớn, tiêu biểu Việt Nam đã thực hiện với sự hỗ trợ quốc tế bao gồm: Dự án bảo tồn Sao La (hợp tác với WWF, IUCN); Dự án bảo vệ quần thể voi Việt Nam (hợp tác với tổ chức Elephant Conservation Center); Chương trình bảo tồn rùa biển (hợp tác với USAID, IUCN); Dự án bảo tồn rừng ngập mặn Mekong (hợp tác với Đức, Nhật Bản, Hà Lan).

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, bên cạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, mối quan hệ hợp tác khu vực với các nước láng giềng, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á để bảo vệ hệ sinh thái chung cũng được quan tâm và thúc đẩy. Qua đó, các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học đã được thực hiện như: Bảo vệ rừng liên biên giới với Lào và Campuchia, đặc biệt tại dãy Trường Sơn và khu vực Tây Nguyên; Chương trình Sáng kiến Rừng Châu Á (AFI): Hợp tác với ASEAN để bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; Mạng lưới các khu bảo tồn ASEAN (ASEAN Heritage Parks – AHP): Việt Nam có nhiều vườn quốc gia được công nhận như Vườn quốc gia Ba Bể, Cát Tiên.

Để tăng tiếp tục phát huy và tăng cường hiệu quả trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo các hướng sau: (i) Tham gia sâu hơn vào các sáng kiến toàn cầu như Kế hoạch Đa dạng Sinh học 2030 (Công ước CBD), Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu; (ii) Tiếp tục hợp tác sâu rộng với các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (UNEP, UNDP), WWF, IUCN, GEF để huy động nguồn lực bảo tồn; (iii) Hợp tác khu vực để bảo vệ hệ sinh thái xuyên biên giới như: Phối hợp với Lào, Campuchia để bảo vệ rừng nhiệt đới tại dãy Trường Sơn, Tây Nguyên; Hợp tác với Trung Quốc trong bảo tồn các loài di cư như hổ, voi, linh trưởng; Tham gia sáng kiến ASEAN về bảo tồn rừng và biển, đặc biệt là bảo vệ Mạng lưới các Vườn di sản ASEAN (AHP); Phát triển các cơ chế giám sát chung với các nước láng giềng để quản lý động vật hoang dã và ngăn chặn buôn bán trái phép./.

NBCA