Khu AHP Ba Bể – Ảnh do VQG cung cấp
Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể được công nhận là Khu AHP vào năm 2004.
VQG Ba Bể được thành lập theo Quyết định số 83/TTg ngày 10/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích là 10.048 ha, trong đó gồm có phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.846 ha; phân khu phục hồi sinh thái 6.162 ha và phân khu hành chính dịch vụ 40 ha. Những nghiên cứu khoa học khẳng định đây là khu vực giàu có về ĐDSH.
VQG Ba Bể là một phức hệ sông, hồ, rừng trên núi đá vôi, được nuôi dưỡng bởi các sông Tà Han, Bó Lù và Lèng chảy đến từ hướng Nam và Tây, sau đó nước hồ đổ ra sông Năng ở phía Bắc, tạo nên sự ĐDSH cao. Về thực vật, VQG Ba Bể có 1.268 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm có giá trị được ghi vào Sách Đỏ của Việt Nam và Thế giới. Các loài cây gỗ quý, hiếm như: Nghiến, Đinh, Lim, Trúc dây, Lát hoa; trong đó, Trúc dây là một loài tre đặc hữu của Ba Bể thường mọc tại các vách núi, tạo cảnh quan rất đẹp. VQG cũng được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là trung tâm đa dạng và đặc hữu cao nhất về loài lan không chỉ của Việt Nam mà còn của cả toàn vùng Đông Nam Á. Ở đây có 182 loài lan, một số loài lan là đặc hữu, chỉ phát hiện thấy duy nhất ở vùng này. Khu hệ động vật rất phong phú với 470 loài động vật có xương sống trong đó có nhiều loài đặc hữu quý hiếm như Voọc đen má trắng, Gấu ngựa, Vạc hoa, Cá cóc bụng hoa… Khu hệ cá, có 106 loài cá được thuộc 61 giống, 17 họ và 5 bộ. Tuy nhiên, có 20 loài không còn thấy từ những năm 1970 và có thể coi như đã bị biến mất khỏi hồ.
Trung tâm của Vườn là hồ Ba Bể nằm ở độ cao khoảng 178 m so với mực nước biển với chiều dài tới 8 km và chiều rộng 500m, đây là hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất và cao nhất ở Việt Nam. Hồ Ba Bể còn được xem là “hồ tự nhiên trên núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam”. Ba Bể có nghĩa là “ba hồ”, người Tày gọi là “Slam Pe” (Hồ Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm). Đây là một tên cổ muốn nói hồ có ba đoạn phình ra tương đối lớn. Tuy nhiên, Ba Bể là một hồ nước liên tục với vô số các khe suối nhỏ, trải dài gần 8 km theo hướng Bắc – Nam. Chính vì nét hùng vĩ tráng lệ này mà đôi khi Ba Bể được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”. Hồ sâu trung bình từ 17 đến 23 m, điểm sâu nhất khoảng 35 m. Diện tích mặt hồ dao động từ 300 đến 500 ha theo mùa. Về cảnh quan, địa chất, đây là khu vực thể hiện rõ rệt dấu ấn lịch sử của các thời kỳ hình thành vỏ trái đất. Về địa chất địa mạo, đây là vùng đá vôi cổ rộng lớn, với đặc điểm kiến tạo rất đặc biệt có niên đại 450 triệu năm. Ðiều kỳ thú là trong quá trình biến đổi địa chất, đá vôi đã biến thành những mảng đá hoa cương. Theo các nhà địa chất thì việc đá vôi trở thành đá hoa cương là điều vô cùng độc đáo và hiếm thấy. Giữa một vùng núi đá vôi lại có một cái hồ lớn, thật kỳ diệu. Đáy hồ có một lớp đất sét dày tới 200 mét bịt kín, chính địa tầng sét này không cho nước thoát xuống và hồ được hình thành như vậy. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc làm say lòng những du khách tới nơi đây.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH