Khu bảo tồn loài – sinh cảnh rừng Sến Tam Quy, Thanh Hóa

Rừng sến Tam Quy – nơi bảo tồn nguồn gien quý, phục vụ công tác bảo tồn loài và nghiên cứu khoa học – nguồn: http://tapchimoitruong.vn/

Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) rừng sến Tam Quy nằm trên địa bàn 3 xã Hà Lĩnh, Hà Tân, Hà Đông (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Với địa hình núi đồi thấp xen lẫn với các thung lũng nên rừng tự nhiên ở đây dồi dào và phong phú về các loài động, thực vật. Đặc biệt, KBTTN có rừng cây sến thuần loài, quý hiếm, tập trung với diện tích lớn duy nhất có ở Việt Nam. Sự hiện diện của rừng sến nơi đây được nhiều người ví như một “bảo tàng” thiên nhiên về loài sến cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Để bảo vệ rừng sến, năm 1986, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 194/QĐ về việc thành lập KBTTN rừng sến Tam Quy và xếp vào nhóm khu bảo tồn loài trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia. Năm 2001, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1766/QĐ-UB phê duyệt Dự án KBTTN rừng sến Tam Quy, với tổng diện tích quy hoạch là 1314 ha, trong đó vùng đệm 795,5 ha; vùng lõi 518,5 ha. Theo các nghiên cứu, KBTTN có các kiểu rừng chính là rừng thường xanh, đất thấp đặc trưng bởi sự ưu thế của loài sến và lim xanh, đây là hai loài đang bị đe dọa trên toàn cầu. Ngoài ra, KBTTN còn các loài cây khác như dẻ, thông nhựa, sở, muồng keo, mỗi loài được phân bố thành từng vùng rừng riêng, cụ thể: rừng sến thuần loài (300 ha); rừng sến, lim (145,5 ha); rừng lim, sến (63,1 ha); rừng lim thuần loài (12,1 ha); rừng sến, dẻ: (9,7 ha); rừng thông nhựa (169,5 ha); rừng sở (5 ha); rừng muồng, keo (34,2 ha); đất trảng cỏ cây bụi (37,4 ha).

Về hệ động vật, tại KBTTN cũng rất phong phú thành phần loài, với 22 loài thú (chiếm 8,5%); 51 loài chim (chiếm 6,85%) và 59 loài lưỡng cư, bò sát (chiếm 9% số loài ở Việt Nam). Số loài thú nhiều nhất là bộ gặm nhấm (9 loài), tiếp đến là bộ dơi (7 loài), còn lại dao động từ 1- 3 loài. Các loài chim, chiếm ưu thế là bộ sẻ (28 loài), còn lại các loài khác dao động từ 1 – 5 loài, đáng chú ý là 6 họ có từ 1 – 2 loài. Trong các loài thú thống kê được, với 6 loài có giá trị bảo tồn cao, nằm trong Danh lục đỏ IUCN như rái cá, cu li nhỏ, khỉ vàng, cầy hương, sóc cây. Các loài chim có 4 loài diều Ấn Độ, bắt cô trói cột, khướu mỏ dài, cú mèo khoang cổ; các loài lưỡng cư, bò sát có 18 loài có giá trị kinh tế và bảo tồn như ếch cây, rùa hộp trán vàng, rắn lục mép trắng, rắn hổ chúa, kỳ đà hoa…

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH