Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai kỷ niệm 20 năm thành lập

Sáng ngày 28/11, tại huyện Vĩnh Cữu (Đồng Nai), Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (2004-2024).

Đến dự buổi lễ có nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sở, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các khu bảo tồn ở nhiều địa phương trên cả nước.

Năm 1997 tỉnh Đồng Nai đã đưa ra quyết định “đóng cửa rừng” không cho khai thác tự nhiên trên địa bàn tỉnh, tập trung vào bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2004, Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai được thành lập với tổng diện tích hơn 100.000 ha rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học rất lớn và có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của vùng Đông Nam Bộ. Khu Bảo tồn có chức năng bảo tồn nguyên vẹn diện tích rừng hiện còn, khôi phục, tiếp tục làm giàu rừng, phát huy giá trị vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế và bảo vệ môi trường của Đồng Nai.

Theo số liệu của Ban quản lý Khu Bảo tồn, cho đến nay đã thống kê được 1.552 loài thực vật bậc cao, 166 họ, 95 bộ, 10 lớp, thuộc 06 ngành. Với 71 loài quý hiếm, trong đó có 43 loài nằm trong sách đỏ IUCN (2015), 36 loài Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 11 loài nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Nhóm Thú đã được ghi nhận có 25 loài ghi trong Danh lục Đỏ IUCN (2015); có 27 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007). Nhóm chim đã ghi nhận được 21 loài chim quý hiếm hoặc có giá trị kinh tế ở Khu Bảo tồn.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đang có nhiều loài động vật quý hiếm sinh sống (Ảnh: Báo Nhân dân)

Ngày 29/6/2011, Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyền thế giới. Trong hơn 20 năm qua, khu bảo tồn đã thực hiện thành công sứ mệnh bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị sinh thái, văn hóa, nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý, hiếm đã được hồi sinh mạnh mẽ. Tại Khu bảo tồn cũng đang là nơi sinh sống của hàng chục đàn bò tó, mỗi đàn hàng chục con…

Nơi đây được đánh giá là một trong những khu rừng đặc dụng có hệ sinh thái rừng đặc trưng nhất vùng Đông Nam Bộ. Trong ảnh là một chú voi trưởng thành đi kiếm ăn (Ảnh: Báo Thanh niên)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đề nghị Khu Bảo tồn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung xây dựng các đề án, dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ và phát triển rừng.


UBND tỉnh Đồng Nai, tặng bằng khen cho các lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (Ảnh: Báo Nhân dân)

Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế thường xuyên trao đổi, liên hệ với các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế để hợp tác, liên kết triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng, bảo vệ môi trường Khu Bảo tồn; quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái dựa trên những giá trị của rừng, hồ gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử… Đặc biệt, Khu bảo tồn cần tập trung triển khai thực hiện tốt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt./.

NBCA