Khu bảo vệ cảnh quan Gò Tháp, Đồng Tháp

Cổng vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp (Đồng Tháp) – Nguồn: https://thamhiemmekong.com/

Khu di tích Gò Tháp nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười,  cách huyện lỵ Tháp Mười khoảng 11 km về hướng Bắc, cách TP. Cao Lãnh 43 km về hướng Đông Bắc (theo đường bộ và đường thủy). Đây là Khu di tích cấp quốc gia được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch công nhận từ năm 1998, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa – lịch sử của dân tộc.

Cuối năm 2012, Chính phủ xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm vinh dự và tự hào đối với tỉnh Đồng Tháp, mà còn là sự khẳng định rõ ràng nhất về giá trị to lớn của di tích Gò Tháp.

Đến Gò Tháp, du khách sẽ bất ngờ bởi đây không chỉ là khu di tích mà còn có cảnh quan thiên nhiên đẹp và hoang sơ. Gò Tháp có chiều dài gần 500 m, ngang 200 m, vào mùa khô nhiều gò cát lớn nhỏ uốn lượn quanh co, tạo thành khu gò nổi, trên gò có nhiều cây cổ thụ trăm tuổi xoè bóng mát, sừng sững vươn cao. Mùa nước nổi thì đồng nước mênh mông xen lẫn màu xanh cây cỏ, tạo thành phong cảnh thiên nhiên kì vĩ.

Tính từ con lộ Mỹ Hoà đi vào, quần thể di tích Gò Tháp gồm có 5 di tích tiêu biểu: gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ cụ Đốc binh Kiều, gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ. Tại đây, giới khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di vật cổ rất giá trị, chứng tích của nền văn hóa Óc Eo xưa. Ở cực Nam của quần thể di tích Gò Tháp là Gò Tháp Mười, cũng chính là gò cao nhất (5,046 m). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, di tích Gò Tháp Mười từng là căn cứ của các cơ quan ở Nam Bộ và Khu 8.

Hàng năm, nơi đây tổ chức hai kì lễ hội truyền thống dân gian: vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng 3 âm lịch) và tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều (rằm tháng 11 âm lịch), đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách.