Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng, Bắc Kạn

Thác nước tự nhiên trong khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng – Nguồn: http://baobackan.com.vn/

Với sự đa dạng ở cả hệ động vật lẫn thực vật, cộng với vị trí đặc biệt khi nằm trong TP. Bắc Cạn, khu rừng nghiến và thác nước tự nhiên tại Thác Giềng, phường Xuất Hóa được coi có tiềm năng rất lớn trong bảo tồn nguồn gen kết hợp du lịch sinh thái. Để bảo vệ quần thể này, UBND tỉnh Bắc Cạn đã ban hành Quyết định thành lập Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng.

Những giá trị đa dạng sinh học nổi bật

Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng nằm ở vị trí tiếp giáp giữa phường Xuất Hóa, TP Bắc Cạn và xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, có tổng diện tích hơn 594,04 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 195 ha, khu phục hồi sinh thái hơn 327 ha, khu dịch vụ – hành chính hơn 22 ha, vùng đệm trong hơn 48 ha, vùng đệm ngoài hơn 8.750 ha.

Qua quá trình điều tra, khảo sát thực địa và nghiên cứu cho thấy, đây là khu vực rừng nguyên sinh đã bị tác động, có cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, hấp dẫn. Khu hệ động vật tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có khoảng trên 100 loài động vật có xương sống gồm thú, chim, bò sát, lưỡng cư, trong đó bảo tồn nhiều loài động vật quý, hiếm có giá trị bảo tồn cao như rắn hổ mang, rắn hổ chúa, tắc kè, cầy hương, khỉ mặt đỏ, mèo rừng, cu li lớn, dơi lá quạt… Tuy nhiên, các loài động vật này hiện chỉ còn rất ít cá thể sinh sống.

Đối với hệ thực vật ghi nhận sự xuất hiện của các loại thảm thực vật như: Rừng tự nhiên cây lá rộng thường xanh trên núi đá vôi trung bình, rừng tự nhiên cây lá rộng thường xanh trên núi đá vôi nghèo, rừng tự nhiên cây lá rộng thường xanh trên núi đá vôi phục hồi… tạo nên sự đa dạng về thảm thực vật, cũng như cảnh quan khu vực. Đây là khu vực có quần thể khoảng hơn 500 cây gỗ nghiến, có đường kính từ 20 cm đến hơn 100 cm. Để bảo vệ rừng nghiến quý giá, UBND TP. Bắc Cạn đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm TP phối hợp với chính quyền phường Xuất Hóa và xã Tân Sơn, thống nhất giao khoán bảo vệ rừng Nà Noọc cho cộng đồng người dân thôn Nặm Dất với diện tích hơn 52 ha. Có thể nói, rừng nghiến ở Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng thuộc hàng hiếm

Ngoài ra, khu vực này hiện đang bảo tồn một số loài thực vật quý hiếm như thiên tuế, lát hoa, trai lý… thuộc nhóm IA, IIA trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ngày 30/3/2006 và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ngày 12/11/2013 của Chính phủ với cấp độ bảo tồn từ nguy cấp (EN) đến sắp nguy cấp (VU) trong sách Đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới.

Việc xây dựng kế hoạch quản lý Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng gắn với phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và du lịch bao gồm: Chuyển đổi khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng sang rừng đặc dụng để bảo vệ theo Luật Lâm nghiệp; bảo vệ, bảo tồn phát triển diện tích rừng, phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường…; kế hoạch phát triển hạ tầng hệ thống giao thông kết hợp đường tuần tra, công trình bảo vệ rừng, hệ thống thông tin, các trang thiết bị phục vụ quản lý bảo vệ rừng; kế hoạch phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, gắn liền với bảo tồn và phát triển rừng.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

Bên cạnh những giá trị đa dạng sinh học, Khu bảo vệ cảnh quan còn có thác Nà Noọc, hay còn gọi là Thác Bạc, nằm ở chân Đèo Áng Toòng, là thác nước tự nhiên, bắt nguồn từ hai dòng suối là suối Nặm Dất và suối Nà Khu thuộc xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới. Toàn bộ hệ thống gồm 5 ngọn thác có độ cao 300 m so với mực nước biển, trông xa như một chiếc khăn lụa trắng mềm mại tạo khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Thác đã được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

Ngoài ra, Khu bảo vệ còn có động Áng Toòng mới được phát hiện. Động có giá trị thẩm mỹ độc đáo với hệ thống hang chia hai tầng. Toàn tuyến hang là hệ thống thạch nhũ đa dạng về màu sắc, là kiệt tác nghệ thuật của tự nhiên. Động đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2013.

Với vị trí địa lý và nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng sớm trở thành điểm du lịch sinh thái, thu hút đông đảo khách tham quan. Do vậy, trong thời gian tới, Khu bảo vệ cảnh quan sẽ tập trung bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên, trong đó bảo vệ và phát triển rừng, khu hệ thực vật, bảo tồn và phát triển động vật hoang dã; đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ công tác quản lý gắn liền với phát triển du lịch sinh thái.

Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng được giao cho Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý theo quy chế quản lý rừng đặc dụng và các quy định hiện hành của nhà nước. Tổng vốn đầu tư bảo tồn và phát triển Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng đến năm 2030 khoảng hơn 35 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước gần 24 tỷ đồng, vốn huy động khác hơn 11 tỷ đồng.

Việc thành lập Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các cảnh quan thiên nhiên có giá trị, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên quan trọng và loài động vật hoang dã quý hiếm; duy trì và bảo vệ giá trị môi trường, góp phần phát triển du lịch sinh thái tại địa phương, tăng thêm thu nhập cho người dân sống tại vùng đệm; ngăn chặn tình trạng phát nương làm rẫy cũng như khai thác trái phép gỗ trên địa bàn tỉnh, góp phần vào chiến lược bảo tồn các di tích văn hóa – lịch sử, bảo tồn thiên nhiên bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH