Khu bảo vệ cảnh quan Thăng Hen, Cao Bằng

Hồ Thăng Hen với cảnh sắc non nước hữu tình – Nguồn: http://dulichcaobang.vn/

Khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Thăng Hen có diện tích 481,2ha, với 36 hồ trên núi cao, trong đó hồ Thăng Hen là tiêu biểu nhất. Hồ có dạng hình thoi, chiều rộng khoảng 300m, chiều dài trên 1.000m, nước trong xanh quanh năm; xung quanh hồ là những dãy núi đá trùng điệp. Phạm vi địa lý, thuộc xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa.

Hồ Thang Hen được công nhận là Danh thắng quốc gia theo Quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2001 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Địa danh hồ Thang Hen được nhắc đến như là một trong những địa chỉ du lịch sinh thái nổi bật, hấp dẫn ở Cao Bằng. Đến với hồ Thang Hen là đến với quần thể hồ – hang – sông – hang ngầm ở khu vực này, với nhiều phong cảnh thơ mộng, hữu tình, kỳ bí thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Quần thể hồ Thang Hen được ghi nhận đến nay gồm 36 hồ tự nhiên liên thông với nhau qua hệ thống các hang, sông – hang ngầm, mỗi hồ cách nhau vài chục đến vài trăm mét, tất cả đều nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn tiếp giáp giữa xã Quốc Toản (Trà Lĩnh) và xã Ngũ Lão (Hòa An). Tên hồ được đặt theo tiếng địa phương, như: Thang Vạt, Nà Ma, Thang Loỏng, Thang Hoi… có từ hàng trăm năm nay, trong đó Thang Hen là hồ lớn nhất với chiều dài gần 2.000 m, rộng 500 m và sâu tới 40 m, được bao quanh bởi những tán rừng già xen lẫn những mỏm đá tai mèo.

Thang Hen theo tiếng địa phương có nghĩa là “đuôi ong”, bởi từ trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống, du khách sẽ nhìn thấy toàn cảnh hồ có hình dạng tựa như đuôi một con ong khổng lồ. Quần thể hồ Thang Hen nằm trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Theo các nhà khoa học, quần thể hồ – sông – hang ngầm Thang Hen phát triển trong đá vôi hệ tầng Bắc Sơn. Ở nơi giao nhau giữa các hệ đứt gãy phương Tây Bắc – Đông Nam, Đông Bắc – Tây Nam, á kinh tuyến và á vĩ tuyến. Các hồ nằm ở đáy các lũng kín, xung quanh là các đỉnh vẫn còn liên kết với nhau qua các yên ngựa thấp, tạo nên cảnh quan karst dạng cụm lũng – đỉnh điển hình.

Các đỉnh khá bằng nhau, là tàn dư của một bề mặt san bằng ở độ cao khoảng 650 m, trong khi đáy các lũng dao động trong khoảng 550 – 600 m. Các ngấn nước cho thấy mực nước hồ dao động trong khoảng 20 m xung quanh mức 600 m. Một vài tầng hang hóa thạch quan sát thấy trong khoảng độ cao 600 – 650 m trong khi hang hoạt động còn ở mức thấp hơn.

Theo kết quả khảo sát năm 2012 của đoàn chuyên gia hang động Pháp – Việt, một phần hệ thống hang ngầm kết nối với hồ Thang Hen phát triển tới 820 m theo phương á kinh tuyến và á vĩ tuyến và sâu tới 54 m so với địa hình hiện tại.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH