Rừng Tràm Trà Sư mùa nước nổi – Nguồn: https://thamhiemmekong.com/
Rừng tràm Trà Sư, không những có tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng mà còn là một mô hình thành công trong sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở châu thổ sông Cửu Long. Rừng tràm Trà Sư có tổng diện tích Khu bảo vệ cảnh quan rừng là 1.050 ha và được thực hiện trên địa phận lâm phần của Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư trên địa bàn hành chính xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Khu rừng nằm cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 10km, cách sông Mekong khoảng 15km.
Đây là hệ sinh thái rừng ngập nước được hình thành do xây dựng hệ thống đê bao phòng hộ đặc dụng của tỉnh An Giang, loại rừng ngập phèn chịu ảnh hưởng trực tiếp nước lũ sông Mekong đổ về hàng năm.Rừng Trà Sư là rừng tràm được trồng vào năm 1983 với mục đích cải tạo đất phèn tại xã Văn Giáo, huyện tịnh Biên, tỉnh An Giang với diện tích trên 800 ha. Cây rừng nhiều cấp tuổi, nhiều tầng tán, có tỉ lệ che phủ cao xen kẽ với diện tích đất trống ngập nước (lung đìa – theo tiếng địa phương) là nơi trú ngụ của các loài chim quý hiếm và thủy sản.
Rừng tràm Trà Sư có hệ sinh thái tự nhiên, có vai trò và ý nghĩa khoa học quan trọng. Đó là cái nôi, nơi tạo nguồn thức ăn và là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật, nhất là các lòai chim. Với các trảng cỏ, lung đìa, là nơi cư trú và sinh sản lý tưởng cho các loài chim, cò và thủy sản tạo thành cảnh quan độc đáo tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu…
Do vậy, nơi đây cũng là nơi cung cấp nguồn giống sinh vật tư nhiên cho các vùng đất ngập nước khác ở hạ lưu sông Mekong. Trà Sư được đánh giá là nơi có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 27-05-2003, tỉnh An Giang đã ra quyết định phê duyệt thành lập khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư.
Nguồn: Cục BTTN&ĐDSH