Khu dự trữ thiên nhiên Núi Ông, Bình Thuận

Thác Bà dịu dàng trong lòng Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông – Nguồn: https://baovemoitruong.org.vn/

Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông được thành lập theo Quyết định số 14/TTg ngày 19/10/1992 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 50/2001/QĐ – TTg ngày 10/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ, về điều chỉnh phạm vi ranh giới và đổi tên thành Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có diện tích 24.355 ha trên địa bàn hành chính 02 huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thuộc vùng địa lý sinh học Nam Trung bộ. Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có nhiều đỉnh núi cao 1000 m, đặc biệt có đỉnh Núi Ông cao 1.302m. Khu vực này là điểm giao thoa về địa lý và hệ sinh thái giữa khu vực Nam Trung bộ và khu vực miền Đông Nam bộ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có thảm thực vật rộng lớn, tỷ lệ độ che phủ rừng của khu bảo tồn chiếm tới 93%; vì vậy, nơi đây có sự đa dạng sinh học rất lớn, là nơi sinh sống của trên 1.000 loài động thực vật. Thực vật Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có đến 763 loài thực vật bậc cao; trong đó, có 55 loài thực vật bị đe dọa ở cấp quốc gia và/hoặc quốc tế. Trong đó có loài Erythorophleum fordii oliv. Lim là loài cây gỗ lớn thuộc họ vang( Caesalpininoideae) mới phát hiện có phân bố tự nhiên ở khu vực Núi Ông mà các tỉnh phía Nam không có. Một số loài thực vật quý hiếm như: Cẩm lai (Dalbergia bariensis Pierre), Gõ đỏ: (Afzelia xylocarpa), Giáng hương quả to (Pterocarpus Kosf), Kim giao lá nhỏ: (Podocarpus wallichianus Presl), Trắc mật: (Dalbergia cochinchinensis Pirerre), Lim xanh: (Erythorophleum fordii oliv. Lin).

Đặc điểm nổi bật quan trọng là hệ thực vật Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông mang các yếu tố Đông Dương và Malaysia thuộc vùng hệ thực vật Ấn Độ-Mã Lai, cũng chứa đựng phần nào yếu tố châu Phi, châu Úc. Ngoài ra hệ thực vật Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông còn hiện diện một số loài trong các họ thực vật cổ xưa thuộc hai khu hệ thực vật cổ xưa á nhiệt đới và nhiệt đới.

Động vật có 46 loài thú, 98 loài chim, 22 loài bò sát và 18 loài ếch nhái (trong đó có loài ếch cây thuộc loài đặc hữu). Đặc biệt, có 19 loài được xếp ở cấp CR trong sách đỏ Việt Nam như: hổ, gấu chó, báo hoa mai, tê tê java, rắn hổ chúa, gà lôi hông tía ….và một số loài được ưu tiên bảo tồn cao, được thế giới đặc biệt quan tâm, như Chà vá chân đen, Vượn đen má vàng, Cu li nhỏ.. Từ những yếu tố trên cho thấy Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có những động thực vật đa dạng và phong phú, là kho tàng tài nguyên vô cùng quý giá của quốc gia, không những có giá trị to lớn về phòng hộ bảo vệ môi trường mà còn có giá trị cao về nghiên cứu khoa học, về tính đa dạng sinh học.

Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông không chỉ là nơi có những động thực vật đa dạng và phong phú, giá trị mà Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông còn có vị trí địa lý đặc biệt nằm giữa tam giác du lịch Đà Lạt – Phan Thiết – Biên Hòa với cảnh quan, môi trường thiên nhiên xanh đẹp. Trong đó, Núi Ông nằm ở khu vực thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, là lưu vực thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, có dòng sông La Ngà chảy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam uốn lượn chảy qua khu bảo tồn dài 15 km, có Thác Mai hùng vĩ, kỳ bí. Có Thác Bà nằm trên dòng sông Cát bắt nguồn từ đỉnh Núi Ông cách trung tâm thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh 5km, có độ cao 75m bao gồm thác 1, thác 2 và 3 với nguồn nước trong xanh, sạch, mát lạnh, chảy suốt quanh năm, xung quanh thác có những tảng đá bằng phẳng, nhiều cây cổ thụ tán rộng rất thuận tiện cho khách du lịch có thể cắm trại, nghỉ mát qua đêm để tận hưởng không khí của núi rừng. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển các tua du lịch sinh thái.

Với tiềm năng về tự nhiên và văn hóa độc đáo như vậy nên Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông đã được UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định phê duyệt Dự án quy hoạch định hướng phát triển du lịch sinh thái Thác Bà, tham quan, nghỉ dưỡng, với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tham quan thác, hệ sinh thái rừng tự nhiên, vui chơi giải trí tắm tại Thác bà, du lịch leo núi, các trò chơi trên thác, đạp xe địa hình, du lịch mạo hiểm, khám phá, câu cá; vui chơi giải trí dưới tán rừng; dã ngoại nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh; tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc; du lịch về nguồn…

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH