Khu dự trữ thiên nhiên Pù Huống, Nghệ An

Cán bộ Ban Quản Lý, Hạt Kiểm lâm tuần tra rừng vùng lõi – Nguồn: https://www.corenacca.org/

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống-Nghệ An được thành lập từ năm 2001 với diện tích rừng được giao quản lý 49.806 ha, bao gồm lâm phần của 12 xã thuộc 5 huyện miền núi cao Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương và Con Cuông. Mục tiêu của Khu BTTN là quản lý phục hồi rừng hiện có để bảo vệ mặt đệm lưu vực sông, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng nguồn sinh học và tạo nên khu du lịch sinh thái.

Khu bảo tồn này nằm trong phạm vi các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam và Đông Bắc-Tây Nam với đỉnh cao nhất là Pù Hon cao 1447 m. Tuy diện tích không lớn bằng Vườn quốc gia Pù Mát nhưng ở đây có đủ các loại hình thảm thực vật đã có mặt ở Pù Mát.

Tại Pù Huống, quần hệ rừng á nhiệt đới núi thấp (800-1600 m) với thành phần thực vật đặc trưng của vùng khí hậu hơi lạnh là điểm đặc biệt của vùng này. Điểm đặc biệt cần nhắc đến là thảm thực vật rừng trên núi đá vôi Pù Huống rất đặc trưng gồm các loài mang tính chỉ thị như Trai lý (Garcinia fagraeoides), Nghiến (Excentrodendron tonkinense), Đinh (Markhamia stipulata), Ruối ô rô (Streblus ilicifolius), Mạy tèo (Taxotrophis macrophylla). Theo thống kê sơ bộ thì ở đây có khoảng 1200 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 533 chi của 138 họ, trong đó có 33 loài quý hiếm đã ghi trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ.

Số loài động vật đã phát hiện được ở Pù Huống bao gồm: Lớp Lưỡng cư có 17( 25) loài, thuộc 6 họ, 1 bộ; Lớp Bò sát có 35 (62) loài, thuộc 14 (15) họ, 2 bộ, trong đó có 13 loài rùa; Lớp Chim có 176 loài, thuộc 42 họ, 7 bộ; Lớp Thú có 63 loài, thuộc 24 họ. Số loài trong Sách Đỏ VN 2000: Lớp Lưỡng cư có 1 (3) loài; Lớp Bò sát có 10 (16) loài. Trong đó có 13 loài trong Danh lục Đỏ IUCN bao gồm Lớp Chim có 11 loài, Lớp Thú có 26 (27) loài và tổng số có 48 loài quí hiếm chiếm 22,32%  số loài theo SĐVN. Có 8 loài quý hiếm và đặc hữu là Voọc đen Hà Tĩnh (Tranchipithecus hatinhensis), Voọc mông trắng (Tranchipithecus francoisi delacouri), Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), Vượn đen tuyền (Hylobates concolor concolor), Chà vá (Pygathrix nenacus), Báo hoa mai (Panthera pardus), Trĩ sao (Rheinardia) và Gà lôi trắng (Lophura nycthemera).

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH