Khu dự trữ thiên nhiên Tà Kóu, Bình Thuận

ANNAMSES SLIVER LANGUR – Nguồn: http://takou.org.vn/

Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Kóu được thành lập vào năm 1996, cách Phan Thiết khoảng 20 km và cách Hà Nội khoảng 1800 km. Theo FIPI (1996), KBTTN Tà Kóu nằm trong tọa độ 10o41’28” – 10o53’01” vĩ độ Bắc và 107o52’14” – 108o01’34” kinh độ Đông. Khu bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) gồm có núi Tà Kóu cao 697 m và rộng 1.104 ha và một diện tích ven biển rộng 10.762 ha gồm chủ yếu đất cát ven biển.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu được đánh giá là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp. Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu có diện tích khoảng 11.886 ha, trong đó hơn 10.000 ha rừng trên đất thấp và núi Tà Kóu nằm diện tích khoảng 1.000 ha. Nhưng các nhà nghiên cứu đã ghi nhận được 3 kiểu rừng khác nhau phân bố theo độ cao. Kiểu rừng cây lá rộng trên núi thấp phân bố ở độ cao trên 500m so với mặt nước biển; kiểu rừng nhiệt đới cây lá rộng nửa rụng lá trên núi thấp phân bố từ độ cao trên 300m đến 500m và kiểu rừng nhiệt đới cây lá rộng rụng lá mùa khô trên địa hình thấp và núi thấp phân bố từ chân núi lên đến độ cao khoảng 300m. Cùng với hệ sinh thái rừng đa dạng là hệ động vật khá phong phú, đa dạng có một số loại nằm trong sách đỏ Việt Nam. Các nhà khoa học đã ghi nhận được 5 loài linh trưởng như: Cu li nhỏ, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ và voọc bạc, chà vá chân đen… Khu hệ động vật ở rừng Tà Kóu được chia làm 3 vùng: Vùng núi Tà Kóu, Tà Đặng có địa hình là núi cao, dốc, là rừng kín, nhiều hoa quả. Khu vực này tập trung nhiều loài thú như: khỉ đuôi lợn, voọc xám, cầy, chồn, sóc, chim, công… Vùng đồi thấp, rừng thưa có các loại thú ăn cỏ như hoẵng, cheo, thỏ, gà rừng. Vùng bưng, đầm lầy tập trung nhiều loài cá nước ngọt, các loài bò sát như: rắn, rùa vàng, ba ba… Ngoài các giá trị về mặt tự nhiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu được đánh giá là nơi có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn. Nơi đây nổi tiếng với suối nước nóng Bưng Thị, khu du lịch núi Tà Kóu…

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH