Khu dự trữ thiên nhiên Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên Huế

Hệ động thực vật đa dang tại khu dự trữ thiên nhiên Tam Giang – Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai được thành lập theo Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 20/2/2020 của UBND Thừa Thiên- Huế.

Với tổng diện tích là 2.071 ha, bao gồm phân vùng Ô Lâu (1.270 ha), phân vùng Cồn Tè – Rú Chá (187 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614 ha). Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 799 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 1.242 ha; phân khu dịch vụ – hành chính: 29,5 ha.

Vùng đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai kéo dài 68 km dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên- Huế theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, thuộc địa phận của 5 huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Đây là vùng đầm phá đất ngập nước tiêu biểu cho điều kiện nhiệt đới gió mùa, lớn nhất Đông Nam Á. Đầm phá có giá trị đa dạng sinh học rất cao, theo thống kê được khu hệ thực vật gồm 221 loài thực vật phù du, 46 loài rong, 18 loài thực vật thủy sinh bậc cao gồm có 7 loài cỏ biển và 11 loài cỏ nước ngọt, 31 loài thực vật bậc cao trong đó 7 loài thực vật ngập mặn. Khu hệ động vật tại đây gồm 66 loài động vật phù du, 46 loài động vật đáy, 230 loài cá và 73 loài chim, trong đó có 34 loài di cư và 39 loài định cư.

Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng; khu vực này là nơi tập trung chim nước di cư với số lượng trên 2 vạn cá thể vào mùa đông.

Không chỉ có giá trị cao về tài nguyên đặc biệt là đa dạng sinh học, khu đầm phá này còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, có vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế – xã hội khu vực. Hệ sinh thái đầm phá cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho khoảng 500 ngàn người sống trong 44 xã thuộc 5 huyện, thị xã xung quanh đầm phá.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH