Khu Ramsar Láng Sen, tỉnh Long An – từ giá trị sinh thái, đầm chất văn hóa, đến những thách thức và giải pháp bảo tồn

Khu Ramsar Láng Sen, nằm trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, giáp ranh với Đồng Tháp, là một trong những khu bảo tồn đất ngập nước quan trọng nhất của Việt Nam. Được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của cả nước vào năm 2015, Láng Sen không chỉ mang giá trị sinh thái độc đáo, mà còn là điểm đến thu hút những ai yêu thích khám phá và bảo vệ thiên nhiên. Với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, vùng đất ngập nước (ĐNN) Láng Sen được ví như chiếc máy điều hòa cho tỉnh và các vùng lân cận trong mùa nắng nóng.

Khu bảo tồn ĐNN Láng Sen được thành lập vào tháng 01/2004 với tổng diện tích hơn 5.000 ha, trong đó rừng tràm chiếm 57%, lung bàu đầm sen chiếm 11%, còn lại là đồng cỏ ngập nước. Tại các khu rừng tràm bạt ngàn, các nhà khoa học đã tìm thấy 156 loài thực vật, 149 loài động vật hoang dã, trong đó có 24 loài quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam. Ngoài ra, ở bãi sinh sản của chim có 122 loài, chủ yếu là các loài chim nước như cò, điên điển, còng cọc, vạc và một số loài khác. Ngoài ra, khu vực này còn là nơi đền trú của hơn 50 loài cá nước ngọt, nhiều loài độc hữu chỉ tìm thấy trong khu vực đất ngập nước đồng bằng sông Cửu Long.

Khu Ramsar Láng Sen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái và điều hòa khí hậu. Đất ngập nước tại đây không chỉ giúp lọc bùn mà còn là nơi làm tăng khả năng chứa nước, giảm thiểu nguy cơ ngập úng vào mùa mưa. Không chỉ vậy, Láng Sen còn là một trong những khu vực hiếm hoi duy trì được hệ sinh thái đất ngập nước nguyên sinh, đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của công ước Ramsar quốc tế. Nó cung cấp nơi sinh sống cho nhiều loài động thực vật, đặc biệt là những loài nguy cơ tuyệt chủng như cá sấu hoa cà, rùa đất, và các loài chim nước quý hiếm.

Với vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái như vậy, hoạt động bảo tồn tại Khu Ramsar Láng Sen hết sức được quan tâm và nhận đầu tư từ chính quyền và các tổ chức phi chính phủ, từ đó đạt nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn. Các chương trình giáo dục môi trường, khôi phục hệ sinh thái và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động con người đã đem lại hiệu quả tích cực cho hệ sinh thái và bảo tồn các loài động, thực vật tại đây. Bên cạnh đó, các dự án nghiên cứu về sinh thái và đa dạng sinh học tại Láng Sen cũng được triển khai, nhằm cung cấp dữ liệu khoa học và đề xuất giải pháp bảo tồn hiệu quả. Những hoạt động này không chỉ nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu Ramsar trong bảo vệ môi trường, mà còn tăng cường nhận thức của cộng đồng địa phương.

Bên cạnh giá trị sinh thái, khu Ramsar Láng Sen còn là điểm đến du lịch sinh thái độc đáo. Du khách có thể tham gia các chuyến tham quan bằng xuồng, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và tìm hiểu về đa dạng sinh học. Hoạt động du lịch tại đây được phát triển dựa trên nguyên tắc bền vững, đảm bảo không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Các dịch vụ như homestay, đặc sản địa phương, và các chương trình giao lưu văn hóa cùng cư dân địa phương giúp tăng tính hấp dẫn cho khu du lịch.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, khu Ramsar Láng Sen vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự tăng trưởng dân số và các hoạt động khai thác tài nguyên bất hợp pháp đang gây áp lực lên hệ sinh thái. Biến đổi khí hậu và nguy cơ ngập mặn cũng đang đe dọa sự bền vững của khu vực. Trong tương lai, việc bảo tồn khu Ramsar Láng Sen cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính quyền, tổ chức phi chính phủ, đến cộng đồng địa phương. Các chương trình nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, và quy hoạch du lịch sinh thái bền vững sẽ là những định hướng quan trọng nhằm hướng tới nỗ lực bảo tồn báu vật sinh thái quý giá này của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ đa dạng sinh học và điều hòa khí hậu. Việc duy trì thảm thực vật ven sông, đồng cỏ tự nhiên ngập nước theo mùa, đầm lầy và gia tăng diện tích tràm trồng là một sự cố gắng không ngừng nghỉ của những người làm công tác bảo tồn. Việc làm đó đã và đang góp phần gìn giữ hệ sinh thái ngập nước tiêu biểu cũng như bảo tồn nguồn sống của chúng ta./.

NBCA