Khu Ramsar Mũi Cà Mau, nằm trong Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, đã được công nhận là khu Ramsar thứ năm của Việt Nam vào năm 2013. Nổi bật với hệ sinh thái ngập nước độc đáo, khu vực này là minh chứng cho sự phong phú và đa dạng sinh học của đất nước.
Mũi Cà Mau là vùng đất ngập nước quan trọng nằm ở cực nam của Việt Nam. Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) có diện tích khoảng 41.862 ha, được chỉ định là khu Ramsar vì tầm quan trọng quốc tế trong việc duy trì vùng đất ngập nước (ĐNN). Khu vực này đại diện cho hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm, hai hệ sinh thái đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất ngập mặn ven biển, tuy không đa dạng về chủng loài nhưng có những đặc thù riêng về hệ động, thực vật. Vườn có 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 233 loài thủy sản. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như bồ nông chân xám, cò trắng Trung Quốc, giang sen, rái cá, rùa hộp lưng đen, cầy giông đốm lớn, rùa răng, rùa ba gờ, rùa cổ bự, ba ba Nam Bộ…
Chức năng chủ yếu của VQG Mũi Cà Mau là bảo vệ hệ sinh thái ĐNN là hạn chế xói lở, thúc đẩy quá trình bồi tụ bờ biển,…Bên cạnh đó, VQG còn là nơi tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái, hợp tác quốc tế; thực nghiệm các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái rừng ngập mặn, qua đó cải thiện điều kiện sinh sống của người dân trong vùng, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị của rừng và các phương pháp sử dụng bền vững tài nguyên ĐNN.
Hệ sinh thái và đa dạng sinh học đặc trưng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống cộng đồng địa phương
Hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm: Khu Ramsar Mũi Cà Mau được bao phủ bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi sinh sống của nhiều loài thực vật như đẳng, vông, mắm, và các loài tràm đặc hữu. Rừng ngập mặn đóng vai trò là bức tường chắn sóng, giúp bảo vệ đường bờ biển và hạn chế xói mòn. Ngoài ra, khu vực còn có rừng tràm ngập ngọt, là nơi đền của các loài chim đặc hữu. Mũi Cà Mau là ngôi nhà chung của hơn 500 loài thực vật, 250 loài cá, 100 loài chim và hàng trăm loài động vật khác. Nhiều loài động vật ở đây đang được bảo vệ như cá sấu hoa cà, rùa đầm, và các loài chim di trú như cò đầu đỏ.
Khu Ramsar Mũi Cà Mau giúp duy trì hệ sinh thái ngập nước, đóng vai trò quan trọng trong việc lọc nước, hấp thụ carbon, và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hệ sinh thái ngập mặn còn giúp duy trì nguồn thuỷ sản biển và cung cấp môi trường sinh sống cho nhiều loài động vật quan trọng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính cho nhiều cư dân địa phương thông qua đánh bắt thủy sản, du lịch sinh thái, và các hoạt động khai thác. Các hoạt động du lịch như tham quan rừng ngập mặn, đi thuyền trên sông, và khám phá hệ sinh thái đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, khu vực này còn là nơi gắn bó với đời sống và văn hóa của các dân tộc thiểu số ở đây như Kinh, Khmer, và Hoa. Các phong tục tập quán, nghi lễ và lễ hội truyền thống đã tăng thêm giá trị văn hóa độc đáo cho khu vực.
Thách thức trong bảo tồn và sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước
Không nằm ngoài xu thế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng nâng mực nước biển và sói mòn bờ biển đang đe dọa sự ốn định của hệ sinh thái ngập mặn. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ và hạn hán cũng gây ra nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự gia tăng các hoạt động khai thác tài nguyên không bền vững, đánh bắt quá mức, và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã gây áp lực lên hệ sinh thái. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học.
Nhằm đối diện với các thách thức trên, một số giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững cần được xem xét thực hiện như: (i) Tăng cường quản lý và giám sát: Cần có những chính sách quản lý chặt chẽ, bao gồm việc giám sát các hoạt động khai thác tài nguyên, đặc biệt là đánh bắt thủy sản. Quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo tính bền vững; (ii) Nâng cao nhận thức cộng đồng: Giáo dục và tuyên truyền về tầm quan trọng của khu Ramsar Mũi Cà Mau sẽ giúp người dân nhận thức rõ hơn về vai trò bảo vệ mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên rừng nơi đây./.
NBCA