Khu Ramsar U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang (2015)

Khu Ramsa U Minh Thượng -Nguồn TTXVN

Nhờ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đối với vùng ĐNN có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, gần đây, VQG U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang chính thức được công nhận là khu Ramsar (vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn) thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới.

VQG U Minh Thượng là một trong ba vùng ĐNN quan trọng nhất tại vùng ĐBSCL; có đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp của rừng hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, trở thành một HST có tầm quan trọng đặc biệt; là nơi nuôi dưỡng, trú ngụ của nhiều động vật hoang dã, quý hiếm, đặc trưng và nguy cấp. VQG có thể mô tả với nét đặc trưng nhất như một HST rừng tràm thuộc vùng đầm lầy có than bùn. Nơi đây còn có gần 3.000 ha đất đầm lầy và đồng cỏ ngập nước – là khu vực lớn nhất và quan trọng nhất trong các khu rừng trong vùng U Minh. Điều đó được phản ánh qua sự khác biệt của hệ động – thực vật được tìm thấy ở đây. VQG U Minh Thượng có 254 loài thực vật có mạch bậc cao và nguồn tài nguyên động vật có xương sống – không xương sống với sự hiện diện của 33 loài thú, 188 loài chim, 29 loài bò sát lưỡng cư, 60 loài cá, 204 loài côn trùng và nhiều loài động vật thủy sinh phân bố ở các độ sâu khác nhau trong HST. Trong số đó, có 72 loài được xác định là hiếm (ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam và IUCN). Trên 3.000 ha diện tích đồng cỏ ngập nước nơi đây còn tạo điều kiện cho các loài chim và các động vật khác hiện diện, đóng góp đáng kể cho toàn bộ sự ĐDSH,…

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH