Đất lành (Ảnh chụp tại khu Ramsar Vân Long, Ninh Bình) – Tác giả Bùi Quang Tiến
Khu Ramsar Vân Long là một vùng đầm nước bao quanh đoạn cuối cùng bên ngoài phía bắc của dải đá vôi Pù Luông – Cúc Phương, một vành đai của vùng đá vôi kéo dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, từ Lai Châu xuống Ninh Bình. Vùng đá vôi Ninh Bình này bao gồm khu vực của đường ranh giới chung giữa các tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hoá. Dải đá vôi này được coi là nơi còn tồn tại nhiều loài động thực vật phong phú ở miền Bắc Việt Nam. Cảnh quan này cũng gồm một phần Vùng Chim Đặc hữu (EBA), Vùng đất thấp Trung Bộ. Địa hình chủ yếu của Vân Long là ĐNN nội đồng và các vùng đá vôi dựng đứng nhô lên.
Khu Ramsar Vân Long nằm trong một vùng đông dân cư và được bao quanh bởi diện tích đất nông nghiệp thâm canh. Vùng ĐNN Vân Long là nơi lưu trữ và cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho cư dân địa phương. Trong khoảng 10 năm lại đây, hoạt động du lịch sinh thái phát triển thu hút khách du lịch trong và ngoài nước và là một nguồn thu quan trọng cho địa phương.
Về tài nguyên ĐDSH, theo các kết quả nghiên cứu tính đến thời điểm hiện tại, có 1 loài cá bản địa, 6 loài bò sát, 1 loài chim, 8 loài thú và 3 loài thực vật bậc cao có mạch ghi nhận tại Khu Ramsar Vân Long được liệt kê vào các hạng CR, EN và VU theo IUCN (2016). Ngoài ra còn có nhiều loài được đánh giá vào các phân hạng NT và DD. Nổi bật trong số này là quần thể Voọc mông trắng (khoảng 150-180 cá thể) được đánh giá là quần thể duy nhất đang phát triển trong toàn bộ vùng phân bố của loài (Nadler, T. & Brockman, D. 2014, Nguyễn Thị Thu Hiền pers. comm.). Trong số 54 loài cá ghi nhận cho Khu Ramsar Vân Long ( Nguyễn Lân Hùng Sơn (eds.) 2011), ngoài 7 loài cá du nhập, có đến hơn 19 loài chỉ ghi nhận ở Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam và Bắc Lào, 4 loài chỉ ghi nhận ở vùng Indo-Burma, và 5 loài chỉ có ghi nhận ở vùng Đông Á. Trong số này có loài Cá thè be sông đáy Acheilognathus polyspinus, đến nay mới ghi nhận ở Việt Nam (theo Fishbase 2016). Ngoài ra, Vân Long là nơi có khu hệ tảo và tảo lam phong phú với 282 loài và phân loài (Vũ Trung Tạng (eds.) 2004) và hơn 60 loài giáp xác và thân mềm thủy sinh (Nguyễn Lân Hùng Sơn (eds.) 2011), chưa kể các loài động vật phù du chưa được nghiên cứu, cũng là nguồn thức ăn quan trọng và dồi dào cho các loài cá phát triển.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH