Khung chính sách pháp lý bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam

Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những ưu tiên quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Để quản lý và bảo vệ hiệu quả hệ sinh thái, các loài động thực vật và nguồn gen quý hiếm, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp lý dựa trên các luật, nghị định và văn bản hướng dẫn cụ thể:

Các Luật: Bảo vệ Môi trường năm 2020 xác định bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cơ chế bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên; Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) là văn bản quan trọng nhất trong lĩnh vực bảo tồn, quy định các nguyên tắc quản lý, bảo vệ các hệ sinh thái, loài sinh vật và nguồn gen;…

Các Nghị định: số 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) quy định tiêu chí xác định loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và biện pháp bảo vệ; Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước CITES; Nghị định 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn và các vùng đất ngập nước quan trọng;…

Chiến lược và kế hoạch hành động: Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Đề ra mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái, loài và nguồn gen, gắn kết bảo tồn với phát triển kinh tế – xã hội; Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học: Định hướng các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái, quản lý khu bảo tồn, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã và bảo vệ loài nguy cấp.

Các cam kết quốc tế: Việt Nam là thành viên của nhiều công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm: Công ước về Đa dạng sinh học (CBD); Công ước Ramsar về bảo vệ các vùng đất ngập nước; Công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; Công ước Bonn về bảo vệ các loài di cư;…

Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia ban hành khung chính sách và pháp lý về bảo tồn ĐDSH vào loại sớm nhất tại khu vực Đông Nam Á, thể hiện sự cam kết của Chính Phủ đối với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)…. Những văn bản pháp lý đầu tiên vào đầu những năm 1960 đã tạo nền tảng cho việc thành lập VQG Cúc Phương – khu bảo tồn ĐDSH đầu tiên của Việt Nam. Nhiều bộ luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên đã được ban hành, đặc biệt, Luật ĐDSH năm 2008 là một bước ngoặt đối với công tác bảo tồn ĐDSH. Lần đầu tiên, các nguyên tắc và ưu tiên bảo tồn ĐDSH được đưa thành luật riêng, quy định các nguyên tắc, nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH cấp quốc gia, cấp bộ ngành và địa phương, tạo cơ sở pháp lý để các cộng động địa phương tham gia bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua các cơ chế mới về chia sẻ lợi ích.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế liên quan đến bảo tồn ĐDSH. Việc tiếp tục tham gia các điều ước mới và thể hiện những cam kết tích cực của nước ta với cộng đồng quốc tế về ĐDSH sẽ tạo thêm nguồn lực và động lực cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH của Việt Nam.

Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH và an toàn sinh học. Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều sáng kiến khu vực liên quan đến ĐDSH, bao gồm Mạng lưới thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã châu Á (ASEANWEN), Sáng kiến Hổ toàn cầu (GTI) và Nhóm Nghiên cứu Sao la… tham gia nhiều Hiệp định môi trường đa phương (MEA) liên quan đến ĐDSH, gồm Công ước CBD, Công ước Ramsar, Công ước CITES và một số Nghị định thư quốc tế liên quan khác./.

NBCA