Khuyến khích thực hiện bảo tồn tại chỗ trên đồng ruộng (on-farm) các nguồn gen tại Việt Nam

Bảo tồn tại chỗ on-farm là phương thức bảo tồn có hiệu quả nhất đối với các nguồn gen cây trồng bản địa vì các nguồn gen được sống ổn định trong môi trường quen thuộc. Hoạt động bảo tồn tại chỗ on-farm có 5 nội dung lớn, đó là: (1) Nghiên cứu cơ bản tìm hiểu về quá trình và cơ chế quản lý nguồn tài nguyên di truyền thực vật trên đồng đất của người nông dân và mối quan hệ của chúng với sinh kế của họ, làm cơ sở khoa học cho việc xác định chọn điểm/vùng bảo tồn on-farm;  (2) Thiết lập vùng bảo tồn on-farm và phát triển nguồn gen cho bảo tồn;  (3) Thành lập nhóm/hội nông dân cùng sở thích tham gia bảo tồn; (4) Xây dựng kế hoạch bảo tồn từng giai đoạn (5 năm); và  (5) Thực hiện các hoạt động duy trì hệ thống bảo tồn.

Công tác bảo tồn tại chỗ đã được Hệ thống bảo tồn nguồn gen cây trồng Quốc gia quan tâm triển khai từ 2010 với mục tiêu vừa bảo tồn vừa khai thác nguồn gen, đặc biệt là những cây trồng địa phương đặc hữu. Đến nay có hàng trăm nguồn gen của các loại cây ăn quả, cây rau, gia vị địa phương được lưu giữ và phát triển tại 54 vườn gia đình ở 03 tỉnh: Ninh Bình, Nam Định và Hòa Bình. Nguồn gen bưởi đa dạng đang được bảo tồn tại 24 vườn gia đình  của vùng ven sông Đáy, Hà Nội; Nguồn gen nhãn tại  12 vườn gia đình ở Hưng Yên; nguồn gen cây củ mỡ trên đồng ruộng của 5 nông hộ tại Lạng Sơn, nguồn gen cây ít được quan tâm sử dụng.v.v.. Một số nguồn gen cây ăn quả khác như dừa, mít, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng cũng được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam hỗ trợ kinh phí duy trì tại các vườn hộ. Tuy nhiên, thực tế đến nay tại các điểm bảo tồn on-farm do Trung tâm quản lý, mới chỉ có một số hoạt động hỗ trợ cộng đồng về kỹ thuật như quản lý IPM, kiểm kê, mô tả và tư liệu hóa nguồn gen tại chỗ, tập huấn kỹ thuật… chưa có hoạt động chọn tạo giống cùng tham gia, chưa phát triển được ngân hàng giống cộng đồng, hình thành mạng lưới trao đổi giống cộng đồng…

Mặc dù vậy, công tác bảo tồn tại chỗ on-farm thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Một số tồn tại chính có thể đến bao gồm: Hiện Việt Nam còn thiếu chiến lược và kế hoạch cho bảo tồn tại chỗ trên đồng ruộng của nông dân, cả ngắn và dài hạn, và chưa có phương pháp và cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả. Hầu hết các hoạt động ở nước ta về vấn đề này đều do nước ngoài tài trợ, mãi cho đến năm 2010 mới được đưa vào nhiệm vụ Bảo tồn quốc gia và chỉ tập trung vào việc đánh giá và xây dựng cơ sở khoa học cho việc thực hiện các hoạt động bảo tồn on-farm quỹ gen cây trồng cùng một số hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đơn lẻ.

Ngoài ra, số lượng các mô hình và các điểm bảo tồn on-farm còn ít và nhỏ lẻ, không đa dạng và không được nhân rộng thành “vùng bảo tồn tài nguyên thực vật quan trọng” như các chuyên gia quốc tế đã đề xuất. Ngoài các điểm on-farm chỉ được hình thành bởi các dự án, không có các điểm on-farm được cộng đồng và các địa phương xây dựng; Hoạt động duy trì hệ thống bảo tồn tại chỗ kém hiệu quả và thiếu sự quan tâm của các bên liên quan, mặc dù chúng đã được xác lập với nhiều công sức và tốn kém kinh phí; Hạn chế về năng lực, cùng với việc thiếu chiến lược, phương pháp và chính sách phù hợp đã khiến chúng ta chưa huy động được sự tham gia của nông dân, chưa thúc đẩy được bảo tồn kết hợp khai thác sử dụng hiệu quả nguồn gen.

Theo đó, một số khuyến nghị cho công tác bảo tồn tại chỗ on farm trong thời gian tới đã được đưa ra bao gồm: Rà soát lại và cải thiện các điểm bảo tồn on farm đã được thiết lập trên toàn quốc; Phải lấy cộng đồng là trung tâm trong hoạt động bảo tồn tại chỗ on-farm; Hỗ trợ và khuyến khích hệ thống sản xuất giống địa phương và tăng cường thực hiện phương pháp cùng tham gia để cải tiến cây trồng tại các khu vưc/điểm bảo tồn; Lồng ghép hoạt động hỗ trợ bảo tồn tại chỗ on-farm vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Tạo sự gắn kết 4 nhà: nhà nông – nhà khoa học – nhà quản lý (nhà nước, địa phương) và doanh nghiệp./.

NBCA