Khu Bảo tồn (KBT) loài, sinh cảnh Ấp Canh Điền có tọa độ địa lý: Từ 9°04’13” đến 9°04’56” vĩ độ Bắc và từ 105°23’51” đến 105°24’50” kinh độ Đông. Phía Bắc giáp vuông tôm Huyện ủy Đông Hải; phía Nam giáp vuông tôm Công an tỉnh; phía Đông cách kênh xáng Hộ Phòng – Gành Hào 120 mét và phía Tây giáp hộ nuôi tôm kênh Gạch Cốc; được thành lập nhằm bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động, thực vật quý hiếm trong hệ sinh thái đất ngập nước ven biển.
Theo “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, tỉnh đã đặt mục tiêu nâng cấp KBT loài và sinh cảnh Ấp Canh Điền thành KBT cấp quốc gia. Điều này cho thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác bảo tồn tại khu vực. Tuy nhiên, như nhiều KBT khác, Ấp Canh Điền có thể đang đối mặt với các thách thức chung như săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép; mất sinh cảnh do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên không bền vững có thể dẫn đến suy giảm diện tích và chất lượng sinh cảnh tự nhiên; và thiếu nguồn lực và kinh phí cho công tác quản lý và bảo vệ.
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương trong việc thực hiện các biện pháp bảo tồn, nâng cao nhận thức và tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học tại KBT loài – sinh cảnh Ấp Canh Điền. Cụ thể:
Đối với BQL KBT, cần tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; sớm triển khai, chủ động phối hợp các Sở, ngành liên quan, tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền khắc phục các tồn tại, hạn chế đặt ra.
Đối với UBND tỉnh Bạc Liêu, cần xem xét, bố trí nguồn lực, tăng cường nhân lực, năng lực của KBT để bảo đảm thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát đa dạng sinh học; bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật; Bố trí kinh phí cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tại KBT phù hợp với quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Điều 27, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Ngoài ra, sự quan tâm chỉ đạo các Sở, ban ngành cũng rất cần thiết trong nỗ lực giải quyết các vấn đề hạn chế trong công tác bảo tồn, cụ thể:
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật tại các KBT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Hướng dẫn BQL: Hoàn thiện hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho KBT. Đề xuất các nhiệm vụ, hoạt động từ nguồn sự nghiệp môi trường và nguồn ngân sách khác để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; quan trắc, giám sát, lập báo cáo; bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước; bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh Bạc Liêu: Tăng cường phối hợp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; Tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học tại KBT đảm bảo đúng quy định pháp luật về bảo tồn, phát triển bền vững đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Tham mưu, triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, lực lượng bảo vệ rừng nhằm thu hút được nguồn nhân sự tham gia công tác bảo tồn, phát triển bền vững đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại KBT.
Các Sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, cấp tỉnh về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; phòng chống săn, bắt, tàng trữ, sử dụng trái phép các loài nguy cấp, quý, hiếm, trong đó ưu tiên các loài chim hoang dã, di cư. Tăng cường các biện pháp kiểm soát các mối đe dọa, hành vi xâm hại tới hệ sinh thái đất ngập nước, quần thể các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại KBT; tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
NBCA