Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/6/2024, đoàn công tác của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cùng đại diện các Sở, ngành của tỉnh Hậu Giang đã làm việc với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lư Xuân Hội, Giám đốc cùng các lãnh đạo Ban quản lý.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý cho biết Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập theo Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg ngày 14/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nghe Ban Quản lý báo cáo tình hình thực hiện quy định của pháp luật và nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đoàn công tác đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các nội dung liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Qua đó, ghi nhận nỗ lực của Ban quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học như: Tổ chức thực hiện hoạt động điều tra, đánh giá, quan trắc đa dạng sinh học, đất ngập nước, loài động vật, thực vật hoang dã và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học; Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng: trong vòng 10 năm qua không để xảy ra vụ cháy rừng tại Khu bảo tồn; Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, các loài chim hoang dã, di cư, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, các vùng đất ngập nước, phòng cháy, chữa cháy rừng (năm 2019 đến năm 2023 tổ chức tuyên truyền 44 cuộc với 5.356 lượt người tham dự, tổ chức hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học và Ngày Đất ngập nước thế giới); vận động người dân không đánh bắt, lưu trữ, tiêu thụ các loài động vật hoang dã và chỉ đạo lực lượng chuyên trách của Khu bảo tồn ngăn chặn các hành vi xâm nhập, khai thác trái phép tài nguyên rừng…

Kết luận buổi làm việc, đoàn công tác đã đưa ra một số kiến nghị đối với Ban quản lý khu bảo tồn như sau:

(i) Nghiên cứu, thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP); Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030).

(ii) Sớm triển khai, chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền khắc phục những tồn tại, khó khăn./.