Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau

Ngày 20/6/2024, đoàn công tác của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cùng đại diện các Sở, ngành của tỉnh Cà Mau đã làm việc với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lê Văn Dũng, Giám đốc cùng các lãnh đạo Ban quản lý.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý đã giới thiệu tổng quan về Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Vườn quốc gia được thành lập theo Quyết định số 142/2003/QĐ-TTG ngày 14/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển khu bảo tồn Thiên nhiên Đất Mũi thành Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Phần trên đất liền của Vườn  thuộc địa phận hành chính các xã Đất Mũi, Viên An và Đất Mới thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tổng diện tích tự nhiên: 41.862 ha gồm đất liền và biển. Diện tích phần trên đất liền: 15.262 ha (Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 12.203 ha; Phân khu phục hồi sinh thái: 2.859 ha; Phân khu hành chính dịch vụ: 200 ha). Diện tích phần ven biển: 26.600 ha, phạm vi tính từ mép bờ biển phía Tây ra phía biển.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 05 của Việt Nam và thứ 2.088 thế giới vào ngày 13/12/2012 do là “khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất Việt Nam, lớn thứ hai trên thế giới, vẫn còn nguyên quá trình diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, có tính đa dạng sinh học cao và đáp ứng được nhiều tiêu chí của vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất liền. Với vị trí địa lý 3 mặt giáp biển, nơi giao thoa giữa biển đông và biển tây, chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều. Đặc điểm vùng ven biển thấp, nóng ẩm, mưa nhiều, hệ thống kênh rạch nội đồng chằng chịt và chế độ thủy triều – dòng chảy pha trộn phức tạp tạo cho Mũi Cà Mau có một hệ sinh thái ngập mặn độc đáo, quy tụ nhiều sinh vật đặc thù và mang tính đa dạng sinh học cao. Đặc biệt, diện tích đất liền của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau không ngừng mở rộng một cách tự nhiên.

Hệ sinh thái đất liền với hệ thống rừng ngập mặn. Trong đó: diện tích có rừng là 9.202,71 ha với các kiểu trạng thái rừng như sau: Rừng gỗ tự nhiên ngập mặn giàu có diện tích 3.436,68 ha; Rừng gỗ tự nhiên ngập mặn trung bình có diện tích 3.625,19 ha; Rừng gỗ tự nhiên ngập mặn nghèo có diện tích là 222,07 ha; Rừng gỗ tự nhiên ngập mặn chưa có trữ lượng: có diện tích 956,62 ha; Rừng trồng với các loài Đước đôi (Rhizophora apiculata) và Mấm trắng (Avicennia alba) với diện tích là 962,15 ha.

Hệ sinh thái biển thuộc phân khu phần chức năng trên biển có chức năng chủ yếu là bảo tồn tài nguyên sinh vật biển và hệ sinh thái ven bờ, duy trì và nghiên cứu quá trình địa mạo và sinh thái tự nhiên.

Hệ động – thực vật rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau: Thực vật bậc cao có 60 loài. Động vật có 28 loài thú, 122 loài Chim, 45 loài Bò sát, 149 loài cá, 53 loài giáp xác; 89 loài động vật không xương sống cỡ lớn; 24 loài Tôm… nhiều loài động – thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Thế giới (IUCN) cần được quan tâm bảo vệ và bảo tồn.

Sau khi nghe Ban Quản lý Vườn quốc gia Mũi Cà Mau báo cáo tình hình thực hiện quy định của pháp luật và nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đoàn công tác đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các nội dung liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Qua đó, ghi nhận nỗ lực của Ban quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học như: Đã lồng ghép hoạt động về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vào các chương trình, kế hoạch, đề án hoặc đề tài, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức được chú trọng thông qua nhiều hình thức; Thường xuyên phối hợp, tiếp và làm việc với nhiều tổ chức, đoàn công tác, viện trường Đại học trong và ngoài nước về các hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.…

Kết luận buổi làm việc, đoàn công tác đã đưa ra một số kiến nghị đối với Ban quản lý như sau:

(i) Nghiên cứu, thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP); Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030).

(ii) Sớm triển khai, chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền khắc phục những tồn tại, khó khăn./.

NBCA