Ngày 15/10/2024, đoàn công tác của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cùng đại diện các Sở, ngành của tỉnh Kiên Giang đã làm việc với Vườn quốc gia U Minh Thượng về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Tiếp và làm việc với đoàn có Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc cùng các lãnh đạo Ban quản lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý đã giới thiệu tổng quan về Vườn quốc gia U Minh Thượng. Vườn quốc gia được thành lập được thành lập theo Quyết định số 49/2002/QĐ-UBND ngày 08/7/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trên cơ sở Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg ngày 14/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng thành Vườn quốc gia U Minh Thượng, thuộc địa giới hành chính của xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia là 21.107 ha, gồm: vùng lõi 8.038 ha (Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 914,00 ha; Phân khu phục hồi sinh thái: 7.124,00 ha) và vùng đệm 13.069 ha.
Vườn quốc gia U Minh Thượng được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao mang tính đại diện của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh sự phát triển của cây tràm, còn có hơn 260 loài thực vật thuộc 84 họ, với nhiều loài đặc hữu như phong lan đất, bèo tản nhọn, cây dương xỉ… Hệ động vật cũng rất phong phú với 32 loài thú thuộc 10 họ, 7 chi trong đó có 7 loài dơi, 10 loài được liệt kê trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea), Mèo cá (Prionailurus viverrius), Tê tê java (Manis javanica), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus), Bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis), Cổ rắn (Anhinga melanogaster), Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah)…
Sau khi nghe Ban quản lý Vườn quốc gia báo cáo tình hình thực hiện quy định của pháp luật và nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đoàn công tác đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các nội dung liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Qua đó, đoàn công tác ghi nhận nỗ lực của Ban quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học như: Triển khai các hoạt động quan trắc, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học thông qua việc thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, dự án tại Vườn quốc gia. Thiết lập được chuỗi số liệu theo dõi loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Triển khai các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước tại Vườn quốc gia thông qua các dự án quốc tế nhằm góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân sống xung quanh Vườn quốc gia, tăng khả năng chống chịu của biến đổi khí hậu, đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái đất ngập nước…
Kết luận buổi làm việc, đoàn công tác đã đưa ra một số kiến nghị đối với Ban quản lý như sau:
(i) Nghiên cứu, thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP); Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030).
(ii) Sớm triển khai, chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền khắc phục những tồn tại, khó khăn./.
NCBA