Lần đầu tiên hươu xạ quý hiếm xuất hiện tại Cao Bằng

Cao Bằng – Vùng núi huyện Trùng Khánh vừa ghi nhận sự xuất hiện của hươu xạ cực kỳ quý hiếm.

Hươu xạ quý hiếm xuất hiện tại Cao Bằng. Ảnh: Fauna & Flora.

Ngày 8.4, trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Dương – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh – xác nhận thông tin trên và cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với các tổ chức, cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp bảo vệ hươu xạ và các loài động vật hoang dã quý hiếm khác.

Theo ông Dương, vào ngày 31.3, Tổ chức bảo vệ môi trường Fauna & Flora chính thức thông báo lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, tổ chức này đã ghi lại được hình ảnh hươu xạ trong môi trường tự nhiên tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Phát hiện được cho là mang tính bước ngoặt này không chỉ mở ra hy vọng cho loài hươu xạ đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống tự nhiên.

Quá trình đặt bẫy ảnh để ghi nhận sự xuất hiện của hươu xạ quý hiếm. Ảnh: Fauna & Flora

“Hươu xạ là loài động vật thuộc nhóm IB – cực kỳ nguy cấp và quý hiếm theo quy định của Việt Nam” – đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh nói thêm.

Theo ước tính năm 2023, số lượng hươu xạ tại Việt Nam chỉ còn khoảng 50 cá thể. Loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng săn bắt, đặt bẫy trái phép và sự suy giảm, phân mảnh môi trường sống.

Theo Hạt trưởng Hoàng Văn Dương, hình ảnh hươu xạ bắt đầu được ghi nhận thông qua hệ thống bẫy ảnh đặt trong rừng vào tháng 1.2025.

Sau phát hiện này, tổ chức Fauna & Flora sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu, ước tính quy mô quần thể, đồng thời mở rộng hệ thống giám sát bằng bẫy ảnh để theo dõi các loài khác, bao gồm cả gấu đen châu Á.

Vượn Cao vít đực toàn thân màu đen và có chỏm mào trên đỉnh đầu. Ảnh: Fauna & Flora

Được biết, địa điểm ghi nhận hình ảnh hươu xạ nằm trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít, được thành lập từ năm 2007 với sự hỗ trợ của Fauna & Flora. Khu bảo tồn có diện tích hơn 1.656 ha, thuộc địa bàn ba xã Phong Nặm, Ngọc Khê và Ngọc Côn (Trùng Khánh, Cao Bằng).

Bên cạnh hươu xạ, khu bảo tồn này là nơi sinh sống của vượn Cao Vít – một trong bốn loài vượn hiếm nhất thế giới, nằm trong nhóm cực kỳ nguy cấp.

Hiện nay, chỉ còn khoảng 74 cá thể vượn Cao Vít trên toàn cầu, trong đó có tại Việt Nam. Loài vượn này được đặt tên theo tiếng kêu đặc trưng “cao vít” hoặc “cao huýt” vang lên mỗi buổi sáng khi chúng di chuyển kiếm ăn, như một cách để khẳng định lãnh thổ.

Thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh, trong những năm qua, đơn vị đã phối hợp với nhiều bên thực hiện hàng loạt biện pháp bảo tồn hiệu quả.

Vượn Cao vít được Hạt kiểm lâm huyện Trùng Khánh ghi lại hình ảnh. Ảnh: Đơn vị cung cấp.

Theo đó, đơn vị sẽ tăng cường tuần tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp; thực hiện quy hoạch, khoanh nuôi, phục hồi và làm giàu rừng bằng cây bản địa để tăng nguồn thức ăn cho các loài linh trưởng; nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức tuyên truyền tại các xã vùng đệm; hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương nhằm giảm thiểu tác động của con người đến rừng.

Ngoài ra, do khu bảo tồn vượn Cao Vít giáp ranh với Khu bảo tồn thiên nhiên Bang Lượng (Trung Quốc), các đơn vị chức năng cũng thường xuyên tổ chức hoạt động hợp tác bảo tồn liên biên giới, góp phần giữ gìn sự ổn định của quần thể vượn và các loài hoang dã khác trong khu vực.

Fauna & Flora cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, thu thập dữ liệu khoa học, đồng thời mở rộng các chương trình giáo dục, truyền thông tại ba xã vùng đệm nhằm xây dựng sự đồng thuận, góp phần bảo vệ lâu dài đa dạng sinh học đặc hữu của Trùng Khánh – Cao Bằng.

Nguồn: Báo Lao động