Trong 5 năm tới, diện tích bắp biến đổi gen của Việt Nam được định hướng sẽ đạt mức 30-50% tổng diện tích trồng bắp, so với mức 0,45% của hiện tại.
Cuối năm 2015, một giống cá hồi Đại Tây Dương đã trở thành tâm điểm chú ý khi Cơ quan Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận đây là động vật biến đổi gen đầu tiên được phép kinh doanh như một loại thực phẩm. Thông tin này gây tranh cãi vì sản phẩm biến đổi gen từ lâu vẫn là đề tài chưa đi đến hồi kết.
Biến đổi gen là kỹ thuật chọn lọc các gen đặc tính nổi trội để đưa vào giống. Cây thuốc lá chống chịu thuốc diệt cỏ là cây biến đổi gen đầu tiên trên thế giới được trồng thử nghiệm tại Pháp và Mỹ năm 1986. Đến năm 1994, Mỹ là nơi đầu tiên cấp phép thương mại hóa các giống cây biến đổi gen khác như đậu nành, bắp ngô, cải dầu, đu đủ, khoai tây…
Ở Việt Nam, thị trường sản phẩm biến đổi gen đang bắt đầu hình thành từ cấp độ thực vật. Tháng 3.2015, Việt Nam là quốc gia thứ 29 trên thế giới cho phép trồng cây biến đổi gen phục vụ cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, từ lâu vẫn tồn tại 2 luồng tranh luận chưa ngã ngũ về việc có chấp nhận hay không loại sản phẩm này.
Một trong những nguyên nhân gây tranh cãi là khi trồng thực phẩm biến đổi gen, người trồng phải sử dụng các loại thuốc được sản xuất kèm với giống từ công ty cung cấp giống để đảm bảo hiệu quả.
Ngoài ra, lo ngại về tác động của sản phẩm biến đổi gen lên các loài sinh vật và những giống cây khác trong quá trình canh tác, cũng như băn khoăn rằng sản phẩm biến đổi gen có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng hay không cũng là tạo ra tâm lý phản đối này.
Trong bối cảnh còn nhiều lo ngại về sản phẩm biến đổi gen, nhiều nước buộc phải quy định dán nhãn đối với sản phẩm biến đổi gen để người tiêu dùng có thể nhận biết. Tại Việt Nam, từ tháng 1.2016 đã có quy định thực phẩm biến đổi gen đóng gói phải dán nhãn “Biến đổi gen” tiếng Việt.
Hiển nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế và xã hội mà các giống biến đổi gen đang mang lại. Đầu tiên phải kể đến an ninh lương thực toàn cầu. Theo ước tính, thế giới sẽ có thêm 2-3 tỉ người đến hết thế kỷ này. Sản lượng lương thực sẽ phải tăng 70% đến năm 2050 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Phương pháp biến đổi gen đem đến những giống cây có sản lượng cao hơn, sử dụng ít năng lượng hơn được kỳ vọng là một lời giải cho bài toán.
Đứng từ góc độ sinh học, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng cho rằng quá trình biến đổi gen vẫn đang xảy ra trong tự nhiên, nhưng phải mất đến hàng trăm năm. “Công nghệ biến đổi gen chỉ giúp cho hiện tượng này được diễn ra nhanh hơn”, ông nói.
Tại Việt Nam, việc cho trồng các giống cây biến đổi gen còn là giải pháp cho một vấn đề khác: sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm ngoái, chúng ta đã phải chi ra hàng tỉ USD để nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất. Riêng về bắp, Việt Nam đã phải bỏ ra gần 1,6 tỉ USD để nhập khẩu 7,55 triệu tấn bắp trong năm 2015. Điều đáng nói là nguồn bắp này được nhập khẩu từ những quốc gia thuần về bắp biến đổi gen như Mỹ, Argentina hay Brazil. Việc tự trồng bắp biến đổi gen trong nước là nhằm từng bước giảm áp lực nhập khẩu.
Hiện tại, sân chơi về sản phẩm biến đổi gen tại Việt Nam có 2 đối thủ chính là Công ty Syngenta (Thụy Sĩ) và Dekalb (thuộc Tập đoàn Monsanto, Mỹ). Đây cũng là 2 trong tổng số 11 công ty nghiên cứu và cung cấp giống biến đổi gen trên toàn thế giới.
Cây trồng biến đổi gen chỉ mới được Việt Nam cấp phép, nên các công ty trên vẫn đang trong giai đoạn chuyển giao kiến thức và kỹ thuật cho nông dân. Sau giai đoạn trồng thử nghiệm, các giống bắp biến đổi gen đang được trồng trên diện tích 5.000 ha (chiếm 0,45% tổng diện tích trồng bắp của cả nước). Về phía người nông dân, tuy giá bán đầu ra có nhỉnh hơn so với bắp lai thông thường, nhưng giá hạt giống đầu vào cũng cao hơn, đi cùng với việc không chủ động được nguồn nguyên liệu. Điều này vẫn làm nhiều hộ nông dân e ngại chưa dám mạnh dạn chuyển đổi toàn diện tích sang trồng giống bắp mới.
Về lâu dài, định hướng diện tích bắp biến đổi gen của Việt Nam sẽ đạt mức 30-50% tổng diện tích trồng bắp đến năm 2020. Ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc Marketing Dekalb Việt Nam, cho rằng muốn đạt mục tiêu này, bên cạnh trở ngại tâm lý từ người nông dân và thị trường, Việt Nam cần có những chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm biến đổi gen.
Có thể nói, các công ty tiên phong trong lĩnh vực biến đổi gen ở Việt Nam đang ở thế “vừa đi vừa dò đường”. Khi còn khá nhiều thông tin trái chiều về sản phẩm biến đổi gen và mức độ ứng dụng còn hạn chế như hiện nay, công nghệ di truyền này sẽ cần thêm nhiều thời gian.
Theo NCĐT