Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (KBTTN ĐNN) Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên – Huế, được biết đến bởi hệ sinh thái phong phú với hệ động, thực vật đa dạng. Trong đó, hệ thực vật bao gồm 221 loài thực vật phù du, 46 loài rong, 18 loài thực vật thủy sinh bậc cao (trong đó có 7 loài cỏ biển và 11 loài cỏ nước ngọt), cùng với 31 loài thực vật bậc cao, bao gồm 7 loài thực vật ngập mặn. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về các loài động vật trong khu bảo tồn, nhưng với hệ sinh thái đầm phá phong phú, khu vực này được kỳ vọng là nơi cư trú của nhiều loài động vật thủy sinh, chim nước và các loài động vật khác, đóng góp quan trọng vào sự đa dạng sinh học của vùng.
Được thành lập vào năm 2020, đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững. Việc thành lập khu bảo tồn nhằm mục tiêu bảo vệ và phục hồi các sinh cảnh, hệ sinh thái đất ngập nước, đồng thời bảo vệ và phát triển quần thể các loài chim hoang dã, thủy sản quý hiếm, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và duy trì sự phát triển bền vững của khu vực.
Tuy nhiên, khu bảo tồn cũng đối mặt với nhiều thách thức, bởi trước khi được thành lập, khu vực này đã trải qua tình trạng khai thác tự phát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái. Mặc dù đã có những nỗ lực phục hồi, nhưng việc quản lý và bảo vệ vẫn cần được tăng cường để đảm bảo sự phát triển bền vững. Một số dự án trồng rừng ngập mặn nhằm phục hồi hệ sinh thái đã được triển khai, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Chẳng hạn, tại vùng Cửa Lác, hạ lưu sông Ô Lâu, hàng chục hecta rừng ngập mặn đã bị chết sau một thời gian trồng, cho thấy cần có sự nghiên cứu và kế hoạch chi tiết hơn trong việc phục hồi rừng.
Để tiếp tục bảo tồn và phát triển KBT, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương. Việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của hệ sinh thái đầm phá, cùng với việc thực hiện các biện pháp quản lý bền vững, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển KBT ĐNN Tam Giang – Cầu Hai.
Theo đó, một số khuyến nghị đã được đưa ra nhằm giải quyết các tồn tại và đẩy mạnh công tác bảo tồn tại KBT ĐNN Tam Giang – Cầu Hai. Đối với Ban quản lý (BQL), cần tham mưu, báo cáo UBND tỉnh sớm ban hành Quy chế quản lý KBT, Kế hoạch quản lý KBT; cũng như việc xây dựng và thực hiện quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý KBT.
Mặt khác, việc thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, cập nhật thông tin dữ liệu về đa dạng sinh học, môi trường, bao gồm: điều tra, quan trắc, đánh giá hiện trạng loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại KBT theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 và điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP; quan trắc vùng đất ngập nước theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP cũng cần được quan tâm, triển khai thực hiện sớm trong thời gian tới, song song với hoạt động xây dựng Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của KBT theo quy định tại Điều 33 Luật Đa dạng sinh học năm 2008.
Đối với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế, cần sớm kiện toàn tổ chức quản lý KBT theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, xem xét, ban hành quy chế, kế hoạch quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều 17, điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP; điểm a khoản 6 Điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Mặt khác, UBND tỉnh cần chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan: (i) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác; (ii) Tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho Sở Tài nguyên và Môi trường; (iii) Bố trí kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại KBT theo quy định tại Điều 152, Điều 153 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP./.
NBCA