Một số tồn tại, hạn chế thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Vườn quốc gia U Minh Thượng

Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) được thành lập theo Quyết định số 49/2002/QĐ-UBND ngày 08/7/2002 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang trên cơ sở Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg ngày 14/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng thành VQG U Minh Thượng, thuộc địa giới hành chính của xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, với diện tích tự nhiên là 21.107 ha. VQG U Minh Thượng được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao mang tính đại diện của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, các hoạt động thực hiện nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được VQG U Minh Thượng triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc thực hiện các nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại VQG U Minh Thượng còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, Vườn chưa thực hiện lồng ghép nội dung quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên vào Phương án quản lý rừng bền vững và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP);

Ngoài ra, kinh phí trong việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học chưa được bố trí đảm bảo; Các nội dung quan trắc chất lượng môi trường nước, trầm tích đáy tại VQG; một số nội dung quản lý các hoạt động trong khu Ramsar theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (Nghị định số 66/2019/NĐ-CP); cắm mốc ranh giới VQG theo quy định tại Điều 26 Luật Đa dạng sinh học và cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích của VQG theo các văn bản quy hoạch chưa được triển khai thực hiện.

Thời gian tới, VQG U Minh Thượng sẽ chú trọng tổ chức triển khai đầy đủ các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, lưu ý thực hiện lồng ghép nội dung quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên vào Phương án Quản lý rừng bền vững và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Tổ chức thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước và trầm tích đáy trong VQG; Tổ chức triển khai đầy đủ các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước tại khu Ramsar theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP và Thông tư số 07/2020/TT-BTNMT ngày 31/8/2020 của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP.

Đối với UBND tỉnh Kiên Giang, sẽ chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác, trong đó chú trọng: Đẩy mạnh tổ chức bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước trên địa bàn tỉnh; Tổ chức xây dựng và thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; Tăng cường triển khai, thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh; Tăng cường tuyên truyền, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; Bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước, bảo tồn các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP và Điều 152, Điều 153 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP./.

NBCA