Một số tồn tại, hạn chế thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Vườn quốc gia Xuân Thủy

VQG Xuân Thủy tỉnh Nam Định được thành lập theo Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg ngày 02/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành VQG Xuân Thủy; có vị trí ở phía Đông Nam của huyện Giao Thủy, tại cửa Ba Lạt của sông Hồng với tổng diện tích 7.100 ha. Thời gian qua, các hoạt động thực hiện nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được VQG Xuân Thuỷ triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc thực hiện các nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại VQG Xuân Thuỷ còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, tình trạng một số trường hợp sử dụng các công cụ bị cấm trong khai thác thủy sản ở VQG (như lờ bát quái, đáy…), đánh bắt các loài thủy sản vào mùa sinh sản vẫn còn tồn tại. Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở phân khu phục hồi sinh thái cuối cồn Lu và cồn Ngạn ảnh hưởng đến quá trình bồi lắng tự nhiên của khu vực. Hiện nay, có 65,7 ha đầm nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương trong khu bảo vệ nghiêm ngặt. VQG Xuân Thủy đã có Báo cáo lần 2 số 161/BC-VQGXT ngày 21/8/2024 gửi Sở NN&PTNT và UBND huyện Giao Thủy về thực trạng quản lý diện tích 04 ô đầm nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương.

Cần lưu ý rằng, năm 1988, khu Ramsar Xuân Thủy được thành lập với diện tích 12.000 ha, năm 2003 VQG Xuân Thủy được thành lập với diện tích 7.100ha. Diện tích chênh lệch 4.900ha cần được rà soát, điều tra đánh giá và đề xuất quản lý phù hợp. Ngoài ra, việc xây dựng báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học định kỳ 03 năm/lần cơ bản vẫn dựa trên cơ sở dữ liệu đã có, chưa triển khai điều tra hiện trạng chi tiết, toàn diện; Việc kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học hiện nay chỉ thực hiện với một số loài, sinh cảnh.

Nguyên nhân các tồn tại nêu trên một phần do nguồn lực của BQL còn hạn chế (số lượng cán bộ viên chức chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng; thiếu công cụ, dụng cụ, trang thiết bị để thực hiện nghiên cứu, theo dõi, giám sát); Việc phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học còn chưa chặt chẽ; Kinh phí cho nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế, chưa đủ để thực hiện.

Nhằm khắc phục tồn tại và nâng cao hiệu quả quản lý VQG, đề xuất các nhiệm vụ để thực hiện các quy định pháp luật đối với bảo tồn và quản lý bền vững đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, nâng cao năng lực của Ban quản lý để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, một số khuyến nghị được đã được đưa ra, cụ thể: (i) thực hiện  lồng ghép nội dung quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên vào Phương án Quản lý rừng bền vững và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; (ii) điều tra đánh giá và cập nhật báo cáo đa dạng sinh học; (iii) tiếp tục cập nhật thông tin của khu Ramsar theo quy định của Ban thư ký công ước (RIS), trong đó chú ý đến vị trí, ranh giới và diện tích của khu Ramsar; (iv) nghiên cứu đề xuất tham gia vào mạng lưới đường bay chim di cư (Flyway Site); (v) khẩn trương phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết tồn tại về diện tích nuôi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG.

Đối với UBND tỉnh Nam Định, khuyến nghị việc chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện: Đẩy mạnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác; Hướng dẫn, chỉ đạo Ban quản lý Vườn quốc gia nghiên cứu, thực hiện các yêu cầu về quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; thực hiện các giải pháp để khắc phục những tồn tại và hạn chế trong quản lý VGG; Tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho BQL Vườn quốc gia Xuân Thủy; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành Phương án quản lý rừng bền vững và ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện sau khi được phê duyệt;

Ngoài ra, cần thiết tổ chức rà soát ranh giới, vị trí, diện tích và tổ chức thực hiện quản lý khu Ramsar Xuân Thủy; song song với đó, bố trí kinh phí cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tại Khu bảo tồn theo quy định tại Điều 152-153 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Hướng dẫn Ban quản lý đề xuất các nhiệm vụ từ nguồn sự nghiệp môi trường và nguồn ngân sách khác để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; quan trắc, giám sát, lập báo cáo đa dạng sinh học; bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước; bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ./.

NBCA