Ngày quốc tế về bảo tồn Hổ – phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn sự sống còn cho loài hổ

Ngày quốc tế về bảo tồn Hổ 29/7 hàng năm được ghi nhận để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn sự sống còn cho loài hổ vốn đang đứng bên bờ tuyệt chủng do sự săn bắn hổ trái phép quá mức.

Nguồn: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

Chỉ trong hơn một thế kỷ qua, quần thể hổ hoang dã trên toàn cầu đã bị suy giảm nghiêm trọng, biến mất khỏi 97% phạm vi đã từng phân bố trước đây. Năm 2010, thế giới chỉ còn khoảng 3.200 cá thể hổ ngoài tự nhiên. Trong khi đó, tại Việt Nam, kể từ năm 2000, Việt Nam chưa ghi nhận một dữ liệu nào về hổ ngoài tự nhiên.

Để bảo tồn hổ, Chính phủ Việt Nam đã ban hành lệnh cấm buôn bán các sản phẩm từ hổ hoang dã, các hành vi săn bán, buôn bán, nuôi nhốt trái phép sẽ bị truy tố và xử phạt theo Bộ luật Hình sự 2017. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng và thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn hổ (2014-2022) với 07 nhóm giải pháp chính: Xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ và đề xuất xây dựng các hành lang bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên; Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ; Tăng cường hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, con mồi của hổ và động vật hoang dã trái phép; Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính phù hợp với yêu cầu nhằm tăng cường công tác bảo tồn hổ; Tăng cường hợp tác liên biên giới với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực và toàn cầu về công tác bảo tồn hổ.

Bên cạnh đó, Chương trình giám sát quần thể hổ và con mồi của hổ trong tự nhiên đã được xây dựng, tập trung vào các khu vực có khả năng còn hổ sinh sống, cũng như các khu vực có tiềm năng phục hồi hổ như: Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Pù Mát (Nghệ An), Yok Đôn (Đắk Lắk), Chư Mom Ray (Kon Tum) và các khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (Sơn La), Sông Thanh (Quảng Nam).

Việc bảo tồn hổ không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh thái mà còn phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Nhân Ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng địa phương thường tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo, triển lãm và chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ loài hổ và môi trường sống của chúng./.

NBCA