Những giống đầu nành được trồng xen canh trên các cánh đồng lúa ở Đông Nam Á có thể cung cấp gen để đậu nành ở Mỹ thích ứng với ngập lụt, cũng như chống lại những loại bệnh phát sinh trong đất ngập nước. Đó là công việc mà nhà khoa học nữ gốc Việt Tara Van Toai đang làm.
Đăng ngày 03-08-2012 trong chuyên mục Tin Việt Nam
Nhiệm vụ của Tara Van Toai và các đồng nghiệp là phải tích hợp các gen có lợi đó vào những giống đậu nành đang được trồng ở Mỹ. Tara Van Toai vừa nghỉ hưu sau quá trình công tác ở Dịch vụ nghiên cứu nông nghiệp ở Columbus, bang Ohio.
Van Toai làm việc cùng sinh viên ngành nghiên cứu bệnh học Anne Dorrance, chuyên gia giống đậu nành Grover Shannon và một nhà khoa học gốc Việt khác là Henry Nguyen để tìm các những gen giúp cây đậu nành có thể thích nghi với vùng đất ngập nước và kháng bệnh tật.
Lớn lên ở vùng đồng bằng sông Mekong của Việt Nam, sau đó làm việc tại Ohio, Van Toai nhiều lần chứng kiến cây đậu nành phải sống trong môi trường ngập lụt. Suốt hai thập kỷ nay, chị nghiên cứu khả năng sống chung với lũ lụt của câu đậu nành, từ phòng thí nghiệm, nhà kính, tới các cánh đồng thực địa ở Ohio và Missouri. Van Toai cũng nghiên cứu và thu thập nhiều mẫu cây đậu nành ở Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có giống có khả năng sống sót sau trận lụt thế kỷ vào năm 1991 ở Trung Quốc. Những nghiên cứu này đều do Bộ Nông nghiệp Mỹ, Chương trình nghiên cứu đậu nành Bắc và Trung Mỹ, cùng một số tổ chức khác tài trợ.Van Toai cộng tác với các nhà khoa học đến từ Brazil, Trung Quốc, Pháp, Hungary và cả Việt Nam.
Những giống đậu nành mà nông dân Mỹ đang trồng hiện nay đều không thể sống sót chỉ sau một thời gian ngắn đất bị nặng nước. Thử nghiệm trên 21 giống đầu nành được trồng ở Cần Thơ cho thấy có 3 giống, gồm VND2, Nam Vang, và ATF15-1 có khả năng chịu nước và kháng bệnh tốt.
Van Toai cộng tác cùng nhà khoa học Trần Thị Cuc Hoa và Nguyễn Thị Ngọc Huê ở Viện nghiên cứu lúa gạo đồng bằng sông Mekong trong các nghiên cứu này.
Van Toai phát hiện ra rằng những giống đậu nành có thể chịu được môi trường đất ngậm quá nhiều nước có chung cơ chế với các giống lúa nước. Cả hai loài cây này có thể sống trong môi trường nước là nhờ bộ dễ với mô khí thích nghi tự nhiên, giúp cây vẫn có thể “thở” được trong môi trường ngập nước.
Van Toai và các đồng nghiệp đã lập bản đồ gen của những giống cây này và thấy rằng có sự lặp lại gen ở những loài cây chịu nước và kháng các loại bệnh phát sinh trong môi trường đất ngập nước. Kết quả nhóm nghiên cứu của Van Toai đã tạo ra một số giống đậu nành mang đặc tính của đậu nành Đông Nam Á để trồng ở Mỹ, như giống ARS đang được trồng ở bang Illinois.
Theo Trúc Quỳnh (nguồn USDA) – khoahoc.baodatviet.vn