Bảo tồn, phát triển bền vững và duy trì đặc tính sinh thái của hệ sinh thái đất ngập nước (HST ĐNN) là mục tiêu ưu tiên trong quản lý ĐNN ở Việt Nam, trong đó tập trung cho các vùng ĐNN có HST đặc thù, ĐDSH cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia. Sau hơn 30 năm tham gia Công ước Ramsar và 17 năm thực hiện Nghị định số 109/2003/NĐ-CP, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định.
Bảo tồn, phát triển bền vững và duy trì đặc tính sinh thái của HST ĐNN
09 khu bảo tồn được công nhận là vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar), bao gồm: 07 Vườn quốc gia (Xuân Thủy, tỉnh Nam Định; Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; Bầu Sấu – Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai; Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp, Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau; Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) và 02 khu bảo tồn thiên nhiên (Láng Sen, tỉnh Long An và Vân Long, tỉnh Ninh Bình).
47 vùng ĐNN được quy hoạch thành KBT ĐNN theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ;
Có 04 khu Ramsar thuộc 04 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận như: Bàu Sấu – Cát Tiên (thuộc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai); Xuân Thủy (thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng); Mũi Cà Mau (thuộc khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau); U Minh Thượng (thuộc khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang);
Có các khu ĐNN quan trọng thuộc 02 Vườn di sản ASEAN được Ban Thư ký ASEAN công nhận là: VQG Ba Bể và VQG U Minh Thượng;
Nhiều KBTTN khác trên các vùng ĐNN được thành lập. Ví dụ: VQG Xuân Thuỷ, VQG Tràm Chim, VQG Mũi Cà Mau, VQG U Minh Thượng, VQG U Minh Hạ, Khu dự trữ thiên nhiên Thạnh Phú, KBTTN Láng Sen, KBTTN ĐNN Thái Thụy, KBTTN ĐNN Tam Giang – Cầu Hai,…
Một số vấn đề về khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trên các vùng ĐNN bước đầu đã được kiểm soát, quản lý, bao gồm: (i) Kiểm soát, ngăn chặn sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai tại một số KBT trên các vùng ĐNN. Ví dụ: xử lý, hạn chế sự phát tán và sinh trưởng của cây Mai dương tại khu Ramsar Bầu Sấu và VQG Tràm Chim; (ii) Kiểm soát, hạn chế được tình trạng tự do chuyển đổi mục đích sử dụng các vùng ĐNN, đặc biệt trong việc chuyển rừng ngập mặn sang nuôi trồng thủy sản; (iii) Quản lý và sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ địa phương trồng lúa để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên cả nước; (iv) Quản lý, kiểm soát môi trường nước thải, đối tượng nuôi trong NTTS trên các vùng ĐNN ven biển, nuôi lồng bè trên các sông, hồ và nuôi ao thuộc các vùng ĐNN nội địa; (v) Kiểm soát và xử lý các vi phạm về sản lượng, kích cỡ, chủng loại, mùa vụ, khu vực khai thác NLTS tự nhiên trên các vùng ĐNN ven biển, cửa sông, đầm phá; các thủy vực nước ngọt, trong đó có các sông, hồ; (vi) Lập và công bố danh sách các loài thủy sinh nói chung và trên các vùng ĐNN nói riêng cần được ưu tiên bảo vệ; (vii) Khuyến khích áp dụng các phương thức, công nghệ khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các thành phần môi trường trên các vùng ĐNN thân thiện với môi trường; (vii) Một số địa phương đã thực hiện tốt việc lồng ghép mục tiêu bảo tồn vào phát triển kinh tế, tạo sinh kế và thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo trong các vùng ĐNN và các khu vực liền kề, đặc biệt là các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế, các KBTTN.
Phát huy tri thức và các giá trị các vùng đất ngập nước
Đến nay đã có nhiều đề tài, dự án thử nghiệm áp dụng các mô hình quản lý, phục hồi và sử dụng khôn khéo tài nguyên ở các vùng ĐNN đặc thù đã được thực hiện bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức bảo tồn và địa phương.
Các sáng kiến, mô hình áp dụng nhiều cách tiếp cận như phối hợp quản lý, có sự tham gia của cộng đồng; khai thác hợp lý tài nguyên rừng ngập mặn và bãi triều ven biển; phát triển dịch vụdu lịch sinh thái; xây dựng các mô hình hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế gắn liền với ĐNN, thích ứng với BĐKH. Một số dự án quy mô lớn như phục hồi và tăng cường quản lý HST rừng ngập mặn, cửa sông, ven biển có sự tham gia của cộng đồng tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức GIZ tài trợ đã giúp phục hồi và tăng diện tích rừng ngập mặn, cải thiện sinh kế và giảm nghèo cho nhân dân địa phương, nâng cao khả năng ứng phó với biến đối khí hậu.
Nhiều mô hình phối hợp quản lý và khai thác khôn khéo tài nguyên ĐNN bước đầu đã chứng tỏ được hiệu quả như: mô hình quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn ở Đồng Rui (Quảng Ninh) do Cục Bảo vệ Môi trường trước đây (nay là Tổng cục Môi trường) phối hợp với Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) xây dựng năm 2006/2007; mô hình phối hợp quản lý, khai thác hợp lý nguồn lợi ngao/nghêu ở VQG Xuân Thuỷ (Nam Định), rừng ngập mặn Cù Lao Dung (Sóc Trăng); đánh bắt cá theo mùa có giám sát như ở VQG Tràm Chim (Đồng Tháp), Láng Sen (Long An) và VQG U Minh Thượng; phát triển du lịch sinh thái ở hồ Ba Bể (Bắc Kạn), đầm Vân Long (Ninh Bình), Rạn Trào (Khánh Hòa), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), rừng tràm Trà Sư (An Giang); giao rừng ngập mặn cho hộ gia đình, tổ nhóm cộng đồng địa phương quản lý ở Cần Giờ (Tp. Hồ Chí Minh),…
– Đã tiến hành kiểm kê, tổng hợp, xây dựng hệ thống phân loại ĐNN và đề xuất được hơn 100 vùng ĐNN có giá trị cao về ĐDSH, môi trường làm cơ sở xác định các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế.
– Thông tin dữ liệu về ĐNN ở Việt Nam, bước đầu được hình thành trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học. Cụ thể như dữ liệu về loài, phân bố, ĐDSH, đa dạng nguồn gen, dữ liệu chính sách và quản trị đa dạng sinh học, dữ liệu cho quản lý hệ thống./.
NBCA