Những kết quả thực hiện Công ước Ramsar đã đạt được nhờ nội luật hóa và tăng cường thực thi chính sách tại Việt Nam

Năm 1989, Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar). Là một thành viên có trách nhiệm, thời gian qua Việt Nam đã đảm bảo thực hiện tốt các cam kết trong bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước.

Công ước Ramsar được ký tại thành phố Ramsar, Iran vào năm 1971. Đây là một thỏa thuận liên Chính phủ nhằm cung cấp khung hoạt động cho các Kế hoạch hành động quốc gia, hợp tác quốc tế về bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước (ĐNN) và các nguồn tài nguyên từ ĐNN. Công ước này có hiệu lực năm 1975 và đến nay đã có 171 quốc gia trở thành thành viên của Công ước. Công ước Ramsar không thuộc hệ thống các Công ước và hiệp ước về môi trường của Liên hiệp quốc và UNESCO. Công ước này chỉ chịu trách nhiệm đối với Hội nghị các Bên tham gia (COP) và các công việc hành chính thế giới do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) cho sử dụng chung trụ sở của mình tại Gland, Thụy Sỹ. Sứ mệnh của Công ước Ramsar được các Bên tham gia thông qua năm 1999 và được điều chỉnh năm 2002 là: “Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng ĐNN thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”.

Năm 1989, Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước Ramsar. Khi trở thành thành viên Công ước Ramsar, Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên phải thực hiện các cam kết:

(i) Chỉ định ít nhất một vùng ĐNN để đưa vào Danh sách các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế và duy trì đặc tính sinh thái của vùng này.

(ii) Sử dụng khôn khéo ĐNN: lồng ghép các cân nhắc bảo tồn ĐNN vào quá trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia và khuyến khích sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN

(iii) Khuyến khích và tăng cường công tác bảo tồn các vùng ĐNN thông qua việc thành lập các khu dự trữ thiên nhiên trên các vùng ĐNN và xây dựng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt đối với khu Ramsar và các khu dự trữ ĐNN có quy mô nhỏ và đặc biệt nhạy cảm.

(vi) Thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn các vùng ĐNN, đặc biệt là các vùng ĐNN xuyên biên giới, các hệ thống nước cùng chia sẻ, các loài chung và viện trợ phát triển cho dự án ĐNN.

(vii) Bồi dưỡng truyền thông về ĐNN và ủng hộ các hoạt động của Công ước.

Theo Ban thư ký Công ước Ramsar, các quốc gia thành viên Công ước đã thúc đẩy nhiều hoạt động trong bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN, đặc biệt kết quả đạt được đến nay là các quốc gia đã chỉ định và được công nhận 2.414 khu Ramsar với tổng diện tích 254.543.972 ha. Nhiều mô hình sử dụng khôn khéo ĐNN thành công trên thế giới với sự tham gia của cộng đồng địa phương như mô hình khu Ramsar vịnh Suncheon (Hàn Quốc), phục hồi ĐNN bị suy thoái (Hồng Kông), thành lập và quản lý hiệu quả các khu Ramsar các quốc gia thành viên.

Nội luật hoá và kết quả thực thi Công ước Ramsar

Nội luật hóa và tăng cường thực thi chính sách về đất ngập nước

Sau khi trở thành thành viên của Công ước Ramsar, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Công ước quy định, trong đó phải kể đến Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về Bảo tồn và Phát triển bền vững các vùng ĐNN. Có thể nói, đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp về quản lý ĐNN để thực thi Công ước Ramsar. Nghị định đã đi vào cuộc sống 15 năm sau khi ban hành, các điều của Nghị định đã được cụ thể hóa thành các chiến lược, chính sách và kế hoạch hành động của ngành TN&MT và các bộ, ngành, địa phương liên quan trên phạm vi cả nước. Đến nay, Việt Nam có 4 Luật đề cập đến việc quản lý ĐNN, như: Luật Thủy sản (2003, 2017); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004), nay là Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Bảo vệ môi trường (2005, 2014), Luật Đa dạng sinh học (2008) và nhiều văn bản hướng dẫn các Luật trên14. Luật Đa dạng sinh học là văn bản luật đầu tiên quy định trực tiếp đến vùng ĐNN và các hoạt động kiểm kê, xác lập chế độ phát triển bền vững các vùng ĐNN tự nhiên ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, hệ thống phân loại ĐNN đã được ban hành với 26 kiểu ĐNN thuộc ba nhóm ĐNN biển và ven biển, ĐNN nội địa và ĐNN nhân tạo, phục vụ cho việc kiểm kê và quản lý hiệu quả các vùng ĐNN trên toàn quốc.

Kể từ khi Nghị định số 109/2003/NĐ-CP và Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực thi hành, công tác quản lý các vùng ĐNN đã đạt được một số thành tích đáng kể như: Thực hiện điều tra thống kê về ĐNN trên cả nước (2003 và 2016); quy hoạch mạng lưới Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) ĐNN; số lượng khu ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) từ 1 khu (Xuân Thủy, tỉnh Nam Định năm 1989) tăng lên thành 9 khu vào năm 2018 (thêm khu Bàu Sấu – Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên tỉnh Đồng Nai; VQG Ba Bể – tỉnh Bắc Kạn; VQG Tràm Chim – tỉnh Đồng Tháp; VQG Mũi Cà Mau – Tỉnh Cà Mau; VQG Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; KBTTN ĐNN Láng Sen tỉnh Long An; VQG U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang và KBTTN Vân Long tỉnh Ninh Bình; nhiều mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững ĐNN đã được thực hiện thành công.

Nhằm nội luật hóa các quy định của Công ước Ramsar, triển khai nội dung Nghị quyết các kỳ họp của các Bên tham gia Công ước (COP) và đáp ứng các yêu cầu về quản lý ĐNN của Việt Nam trước các áp lực phát triển và xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước thay thế Nghị định 109/2003/NĐ-CP. Nghị định này đã góp phần kiện toàn hành lang pháp lý về quản lý ĐNN ở Việt Nam, đồng thời tăng cường hiệu quả thực thi Công ước Ramsar ở Việt Nam./.

NBCA