Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các công ước quốc tế, cùng sự nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, từng bước hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái hiệu quả và bền vững.
Việt Nam là quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao của thế giới.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao của thế giới, với nhiều hệ sinh thái khác nhau như: Núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi, hệ sinh thái biển và ven biển… Theo bảng xếp hạng về mức độ đa dạng sinh học trên thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 14 và là một trong 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học.
(Việt Nam đứng thứ 14 và là một trong 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học)
Đến nay, Việt Nam có khoảng gần 63.000 loài sinh vật đã được xác định, trong đó khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và hơn 11.000 loài sinh vật biển…
Hằng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện và ghi nhận có tồn tại ở Việt Nam. Đáng chú ý, tính đến năm 2023, cả nước đã thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 62 khu bảo vệ cảnh quan.
Hiện Việt Nam có chín khu được công nhận là khu Ramsar; 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; đứng đầu khu vực với 12 vườn di sản ASEAN; là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 07 vùng chim đặc hữu.
Diện tích rừng cũng ngày càng tăng lên, nếu như năm 1995 (ngay sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Đa dạng sinh học), độ che phủ rừng chỉ đạt 28,2% thì đến nay, độ che phủ đã lên tới 42,02%.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Thời gian qua Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia nhiều điều ước quốc tế liên quan đến công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như: Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Công ước Đa dạng sinh học; Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar); Công ước về thương mại quốc tế đối với các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES); tham gia Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF)./.
NBCA