Ra mắt vào năm 2012, Ngày Voi Thế giới được chọn vào ngày 12/8 nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tình trạng nguy cấp, cần được bảo vệ của cả voi châu Á và châu Phi.
Nguồn: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học
Nhờ kích thước và sức mạnh của mình, voi hiếm khi phải lo lắng bị các loài động vật khác săn đuổi. Mối đe dọa lớn nhất của chúng đều đến từ con người khi bị khai thác làm du lịch, kinh doanh thương mại tại những địa điểm du lịch, trong rạp xiếc và các buổi biểu diễn voi, hay bị săn bắt để lấy ngà. Ước tính mỗi năm có khoảng 20.000 con voi bị giết để lấy ngà. Mức độ giết chóc này thậm chí có thể làm thay đổi di truyền của voi. Voi trong tự nhiên ngày càng sinh ra với những chiếc ngà nhỏ hơn, thậm chí không có ngà. Điều này ít nhất một phần là do những cá thể có ngà lớn hơn đã bị những kẻ săn trộm loại bỏ khỏi nguồn gen.”
Hưởng ứng Ngày Voi Thế giới năm 2024, tại Việt Nam, các hoạt động hưởng ứng đã diễn ra sôi nổi, đặc biệt tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai đã tích cực tham gia, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ loài voi thông qua các hoạt động gồm như hội thảo, tọa đàm và chương trình giáo dục cộng đồng. Đơn vị này đã tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Hành trình 20 năm và phát triển Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai – Nhìn lại và bước tới tương lai”, nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được và đề ra phương hướng bảo tồn trong tương lai.
Ngoài ra, vào ngày 27/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 368/KH-UBND về việc thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn Voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, đồng thời thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa voi và con người. Những hoạt động này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ loài voi, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh
Không chỉ tại tỉnh Đồng Nai, những nỗ lực nhằm bảo tồn loài voi vẫn đang được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng thực hiện liên tục với tham gia phối hợp chặt chẽ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý, các đơn vị thực thi, các tổ chức phi chính phủ và sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế:
- Xây dựng kế hoạch bảo tồn voi lâu dài, tập trung bảo tồn nguyên vị (hình thức bảo tồn tại chỗ), kết hợp với các giải pháp quy hoạch bền vững rừng và nông nghiệp xung quanh khu vực có voi sinh sống (tập trung vào các khu rừng đặc dụng).
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, trong đó có cứu hộ và bảo tồn voi cũng như các loài.
- Thực hiện các chiến dịch giảm cầu ngà voi, nâng cao nhận thức cho công chúng về bảo tồn voi.
- Thực hiện hợp tác quốc tế theo các cam kết mà Việt Nam đã tham gia như chia sẻ thông tin về tội phạm động vật hoang dã, thực hiện các chiến dịch kiểm soát buôn bán động vật hoang dã từ nước nguồn, nước trung chuyển và nước tiêu thụ.
- Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật trong điều tra, nhận dạng mẫu vật voi, khám nghiệm hiện trường các vụ voi chết và nhanh chóng xây dựng kế hoạch kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, trong đó có loài voi./.
NBCA