Đăng ngày 02-07-2012 trong chuyên mục Tin thế giới
Trung Quốc đã và đang theo đuổi và nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật biến đổi di truyền. Những thí nghiệm về nhân giống vô tính ở người và động vật tại nước này đang phát triển.
Đã có “loại” sữa mẹ được tạo ra từ… bò sữa! Và đây cũng là một trong những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Trung Quốc. Thật vậy, các nhà khoa học thuộc ĐH Canh nông Trung Quốc đã cấy ghép được gien của người vào 300 cá thể bò sữa để chúng cho ra một loại sữa có các đặc tính như sữa người. Và việc thương mại hóa sản phẩm này được dự kiến trong chưa đầy 10 năm tới.
Không gặp trở ngại
Đó là con đường mà ngành công nghệ sinh học tại Trung Quốc đang đi, dường như không có trở ngại nào có thể cản bước của giới khoa học gia Trung Quốc cả. Một kỹ sư nông học người Pháp công tác tại Trung Quốc đã khẳng định: “Chúng ta nhìn sự việc này với ít nhiều đắn đo. Song dù sao thì ít nhất chúng ta cũng có thể khẳng định rằng công việc nghiên cứu công nghệ sinh học của họ vẫn đang tiến triển tốt và vươn ra trong tất cả lĩnh vực có liên quan”.
Ngay từ năm 2008, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã từng bật đèn xanh cho một chương trình nghiên cứu quy mô theo hướng khuyến khích việc tạo ra ngày càng nhiều các sinh vật được biến đổi di truyền. Với mục đích gì? Để nuôi sống một lượng người chiếm 20% dân số thế giới nhưng với chỉ có 8% diện tích đất trồng trọt được và 5% lượng nước sử dụng được. Và do đó, vẫn theo lời người kỹ sư nông học Pháp nêu trên, những tiến bộ này có được cũng là do tại Trung Quốc có những quy định và luật lệ mềm dẻo hơn nhiều so với tại châu Âu. Tại Pháp, quá trình nghiên cứu về biến đổi gien phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt nhưng tại Trung Quốc thì không, nếu không muốn nói là ngược lại.
Peter Singer, thuộc ĐH Toronto (Canada), tác giả của một báo cáo về nền công nghệ sinh học tại Trung Quốc, đã quả quyết: “Công nghiệp về công nghệ sinh học tại Trung Quốc lớn nhanh như thổi và ai cũng biết rõ. Nên giờ đây các nước phương Tây không còn có thể trụ được ở vị trí thống soái trong lĩnh vực này nữa”.
Giữa khoa học và tư tưởng Khổng giáo là một trong những yếu tố chủ lực tạo nên bước nhảy vọt của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Các “đại gia” đã ào đến Trung Quốc
Tại Trung Quốc, các loại hoa màu như cà chua, ớt… thường được trồng từ những hạt mầm đã được biến đổi di truyền. Giới chuyên môn cũng ước tính rằng 3/4 lượng bông vải Trung Quốc đã được ra đời từ các phòng thí nghiệm. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà các công ty đa quốc gia hàng đầu từ phương Tây như Bayer của Đức hay Monsanto của Mỹ đã tính đến việc đặt chân đến Trung Quốc tìm đối tác. Và do thiếu vắng “người cầm trịch có trách nhiệm”, thiếu cả các nguyên tắc an toàn và thiếu thông tin đến người tiêu dùng, các “đại gia” phương Tây đã “gieo rắc” vào Trung Quốc đủ loại “hạt mầm” đã được biến đổi di truyền.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2011, việc sản xuất ra các giống lúa gạo được biến đổi di truyền vẫn còn đang trong giai đoạn triển khai thử nghiệm. Cũng đã có nhiều giống lúa và ngô biến đổi gien đã được chứng nhận nhưng chưa được cấp phép thương mại hóa. Mặc dù vậy, theo nhiều thông tin chính thức, đã có nhiều chuyến hàng là gạo biến đổi di truyền thường xuyên bị chặn lại khi chúng được đưa vào châu Âu. Đây là bằng chứng cho thấy đã có một làn sóng “phân phối” xuyên biên giới không có kiểm soát, nếu không nói là bất hợp pháp. Năm 2010, đã có không dưới 45 chuyến hàng loại này bị các cơ quan chức năng châu Âu bắt giữ và tính cho đến mùa hè năm 2011, đã có 14 chuyến. Tình hình này cũng diễn ra tại châu Phi, nơi mà các sản phẩm biến đổi di truyền made in China tràn ngập khắp nơi, đặc biệt là qua trung gian một doanh nghiệp cung cấp giống cây trồng đang làm ăn phát đạt tại lục địa này, có tên là “Công ty Nông phẩm Công nghệ cao Long Bình” (tiếng Anh, “Longping High-Tech Agriculture”).
Không có khoảng lùi
Một nhà ngoại giao phương Tây phải thốt lên: “Người Trung Quốc tin tưởng vào giới khoa học và luôn nhìn quá trình nghiên cứu khoa học bằng một con mắt lạc quan. Song việc có quá nhiều công trình nghiên cứu được triển khai trong bối cảnh không được quản lý chặt chẽ, thậm chí còn buông lỏng kiểm soát đã đưa đến những kết quả bất cập và đầy mạo hiểm. Đất nước này không đặt ra một giới hạn cần thiết, không có được một “khoảng lùi” nhất định để phân tích đánh giá tính độc hại có thể có từ các sản phẩm biến đổi di truyền này nọ mà họ tạo ra”. Thế là giới khoa học Trung Quốc cứ luôn tiến tới mà không có điểm dừng.
Bà Khưu Nhân Tôn, Giáo sư triết học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc và là một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đạo đức hành nghề, đã lý giải về quan điểm của các khoa học gia Trung Quốc như sau: “Theo tư tưởng Khổng giáo, một con người chỉ được xem là người sau khi được sinh ra. Do đó, đối với chúng tôi, phôi thai và thai nhi không phải là con người, chính từ lập luận này, việc sử dụng phôi thai người cho nghiên cứu khoa học về tế bào gốc là hoàn toàn không có vấn đề gì về mặt đạo đức cả”.
Lý luận thế là đã rõ và ngành công nghệ sinh học chỉ còn mỗi việc là bước tới.
“Kỳ tích” tại BV Yên Đài
Một đơn cử cho “kỳ tích” này nằm trong phòng thí nghiệm của BV Yên Đài, thuộc tỉnh Sơn Đông, một thành phố ven biển nằm về mạn đông của Trung Quốc, chỉ cách Bắc Kinh chưa đầy 1 giờ bay. Chính tại cơ sở này, GS Lý Kiện Nguyên – người đã thành công trong việc nhân dòng vô tính năm phôi thai người tại Trung Quốc – đã làm việc cùng với êkíp khoảng 10 người của ông. Ông chỉ rõ: “Các kết quả của tôi đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học lớn của Mỹ và do đó đã được cộng đồng thế giới biết đến”.
Mặt khác, GS Lý cũng tỏ ra ngạc nhiên trước thái độ “không sao hiểu nổi” tại châu Âu về vấn đề nhân dòng vô tính, bởi theo ông, mối quan hệ giữa khoa học và tư tưởng Khổng giáo là một trong những yếu tố chủ lực tạo nên bước nhảy vọt của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Những kỹ thuật điều trị xem chừng vượt qua giới hạn của luật pháp Ông Ronnie, một người Mỹ 66 tuổi, đã mắc phải một căn bệnh trầm trọng, suy nhược hoàn toàn cơ thể. Não của ông không còn điều khiển được các chức năng của cơ thể, kể cả hệ thần kinh. Bác sĩ tại Mỹ “cho” ông sống được một năm nữa thôi! Sau đó ông đã đến một bệnh viện tại Bắc Kinh để chữa trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc. Bệnh viện này tại Trung Quốc nhận điều trị khoảng 50 bệnh nhân người nước ngoài. Và đây cũng là một trong số rất ít bệnh viện trên thế giới sử dụng hình thức can thiệp điều trị trên. Một quản lý bệnh viện giải thích như sau trước khi nhìn nhận rằng một trong những nguồn tế bào gốc được sử dụng tại đây là từ nhân dòng vô tính phôi thai người: “Có nhiều dạng tế bào gốc được sử dụng. Chúng tôi có ba loại, trong đó hai loại được lấy từ bào thai người. Chúng tôi cũng có thể sử dụng tủy sống và cả những tế bào lấy từ võng mạc ở mắt người”. Việc điều trị theo phương pháp này với một kết quả thành công “không được bảo đảm” nhưng có mức giá là 35.000 euro và kéo dài trong bảy tuần lễ. Về mặt luật pháp, cơ sở này không được cấp phép điều trị như trên từ Bộ Y tế Trung Quốc, song bộ này “cứ để họ làm”. |
Theo TƯỜNG NGUYỄN (L’Expansion) – phapluattp.vn