Nội dung quản lý an toàn sinh học trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Ngày 31 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1250/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đặt mục tiêu đến năm 2020, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tầm nhìn đến năm 2030, 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Chiến lược này cũng đặt ra 05 nhiệm vụ chủ yếu, tập trung vào các nội dung như sau:
1. Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên;
2. Bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
3. Sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học;
4. Kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học;
5. Bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Chiến lược cũng đưa ra 06 giải pháp như sau:
1. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cộng đồng trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học;
2. Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học;
3. Đẩy mạnh lồng ghép nội dung về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách;
4. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học;
5. Tăng cường nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học;
6. Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Liên quan đến tăng cường công tác quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen trong thời gian tới, Chiến lược cũng đưa ra các nhiệm vụ như sau:
– Tăng cường hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm nâng cao năng lực kỹ thuật, chuyên môn của các cơ quan, đơn vị các cấp về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen;
– Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học; xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong hoạt động quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học