Nội dung quản lý an toàn sinh học trong dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Ngày 27 tháng 9 năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho đăng tải bản dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) trên trang thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến công chúng, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

 

Nội dung dự thảo Chiến lược đã đưa ra 6 mục tiêu, trong đó mục tiêu chiến lược 3: Giảm đáng kể những nguy cơ trực tiếp đến đa dạng sinh học. Một trong những nội dung của mục tiêu chiến lược 3 là việc “Tăng cường quản lý an toàn sinh học của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học”.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, dự thảo đã đưa ra các hành động tương ứng như sau:
– Nâng cao năng lực kỹ thuật, chuyên môn của các cơ quan, đơn vị ở cấp quốc gia chịu trách nhiệm về an toàn sinh học và quản lý sinh vật biến đổi gen thông qua việc tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu quốc tế và tổ chức các khoá đào tạo.
– Công nhận 3 phòng thí nghiệm đủ năng lực kiểm định, kiểm nghiệm sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của chúng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.
– Ban hành các văn bản pháp luật quy định các thủ tục pháp lý, trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường cho các vi phạm liên quan đến quản lý và kiểm soát sinh vật biến đổi gen.
– Đánh giá thực trạng giải phóng ra môi trường và lưu thông trên thị trường các sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hóa có chứa sinh vật biến đổi gen; Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời xác định những rủi ro của sinh vậtbiến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học.
– Đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của các hệ sinh thái nông nghiệp điển hình nhằm phục vụ công tác khảo nghiệm và đánh giá rủi ro đối với sinh vật biến đổi gen.
– Đảm bảo các quy định về an toàn sinh học quốc gia được tuân thủ nghiêm ngặt trong nghiên cứu, khảo nghiệm, giải phóng ra môi trường, sử dụng sinh vật biến đổi gen làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
– Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá rủi ro của sinh vật biến đổi gen tới môi trường và đa dạng sinh học, trước mắt ưu tiên đối với cây trồng biến đổi gen.
– Vận hành cơ chế trao đổi thông tin về an toàn sinh học, bảo đảm các thông tin được cập nhật và kết nối với cổng thông tin quốc tế về an toàn sinh học. 
Để tìm hiểu chi tiết các nội dung dự thảo Chiến lược, bạn đọc có thể truy cập theo link dưới đây:
http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=671&CateID=137

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học