12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề: “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam” nhằm tạo diễn đàn thảo luận mở giữa đại diện các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và nông dân, qua đó trao đổi thông tin về lợi ích của cây trồng biến đổi gen đối với nông dân và nhu cầu canh tác thực tế tại Việt Nam.
Cây trồng biến đổi gen (BĐG) là thành tựu khoa học của nhân loại được nghiên cứu thành công từ những năm 80 của thế kỷ XX và chính thức được thương mại hóa trên thế giới vào năm 1996. Với tính năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng canh tác trong điều kiện biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho nông dân, sau 18 năm kể từ khi nghiên cứu thành công, cây trồng biến đổi gen đã được trồng tại 27 quốc gia với sự tham gia của hơn 18 triệu nông dân toàn cầu. Tổng diện tích cây trồng biến đổi gen tăng liên tục, đến nay đã đạt hơn 170 triệu ha…
Ở Việt Nam, từ đầu năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp giấy phép khảo nghiệm cho năm sự kiện ngô biến đổi gen. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ đã chính thức có các Quyết định về việc công nhận các sự kiện ngô biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Tiếp sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các Quyết định phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho ba sự kiện ngô biến đổi gen… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và cụ thể nhằm tiến đến mục tiêu thương mại hóa và chính thức ứng dụng vào sản xuất cây ngô biến đổi gen tại nước ta vào năm 2015.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm bớt sự lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện sản xuất ngô trong nước chiếm tỷ trọng khiêm tốn do chất lượng và năng suất bình quân thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới…
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam phụ thuộc khoảng 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tính riêng trong 11 tháng của năm nay, Việt Nam phải bỏ ra 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng nhập khẩu ngô chiếm khoảng 1 tỷ USD, với khối lượng lên đến hơn bốn triệu tấn.
Tuy nhiên, các thông tin về cây trồng BĐG đối với người nông dân, cũng như các cấp lãnh đạo hội nông dân địa phương hiện còn rất hạn chế. Hầu hết bà con nông dân vẫn chưa nắm rõ về cây trồng biến đổi gen, tính an toàn và tác động loại cây trồng này trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, hội thảo là cơ hội để lãnh đạo hội nông dân các địa phương và trực tiếp người nông dân có thể hỏi – đáp, chia sẻ thắc mắc của mình về cây trồng BĐG.
TS Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: “Tôi hy vọng sau hội thảo, những người nông dân cũng như các cấp hội nông dân có thể tiếp cận thêm thông tin về cây trồng BĐG, từ đó có sự lựa chọn cho mình những giống cây trồng thích hợp để ứng dụng vào sản xuất khi những giống cây trồng BĐG chính thức được thương mại hóa tại Việt Nam. Sắp tới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ đề xuất phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức các mô hình trình diễn để bà con nông dân thấy được hiệu quả và lợi ích của cây trồng biến đổi gen.
Theo NDĐT