Oxitec kiên trì phát triển muỗi biến đổi gene

Mặc dù có nhiều ý kiến chỉ trích, Công ty Oxitec vẫn đang kiên trì phát triển loại muỗi biến đổi gene chống sốt xuất huyết.

Đăng ngày 20-07-2012 trong chuyên mục Tin thế giới

Đằng sau cánh cửa của một tòa nhà từ thời Thế chiến II ở miền trung hạt Oxfordshire (Anh), một nhóm nhà khoa học đang làm việc với hàng trăm nghìn con muỗi. Họ cho muỗi cái ăn tiết ngựa, cho chúng đẻ trứng ở nơi ẩm ướt, rồi cấy gene vào trứng để tạo ra những con muỗi có thể chống lại bệnh sốt xuất huyết do do muỗi lây truyền.

Những con muỗi được nuôi ở phòng thí nghiệm của Oxitec, công ty sinh học của Anh, đã được thả ở Brazil, Malaysia và quần đảo Cayman, và sắp tới sẽ được thả ở Panama và Ấn Độ. Oxitec hy vọng rằng muỗi biến đổi gene sẽ làm giảm 80% dân số loài muỗi mang ký sinh trùng gây bệnh.

Tuy nhiên, Oxitec đang vấp phải sự nghi ngờ đối với sản phẩm muỗi biến đổi gene của mình.
“Đứng trên quan điểm khoa học và môi trường bền vững, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có giải pháp thực sự tốt để giải quyết vấn đề,” Hadyn Parry, Tổng giám đốc điều hành của Oxitec, nói.Oxitec, ra đời từ ĐH Oxford vào năm 2002, chủ yếu tập trung vào xuất huyết – loại bệnh gây đau đớn tột độ và tử vong, và loại muỗi Aedes aegypti – côn trùng trung gian truyền bệnh. A. aegypti chủ yếu chỉ có ở châu Phi vào hồi Thế chiến II. Sau đó, nó được mang đi khắp thế giới nhờ các phương tiện vận tải. A.aegypti giờ đã có mặt ở 110 nước, và số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cũng tăng 30 lần trong 50 năm qua.

Muỗi A.aegypti sống gần con người và đẻ trứng trong bất kỳ chỗ nào có nước, từ một chiếc thìa tới cái lốp cũ đọng nước. Trứng có thể sống sót nhiều tháng sau khi nước đã bay hơi hết. Muỗi thích những nơi chứa nước tĩnh lặng và có nhiều chất hữu cơ thối mục. Oxitec tin rằng trong quãng đời 10 ngày, chúng ít tiếp xúc với các loài khác, trừ động vật có vú, nên việc xóa bỏ loài côn trùng này sẽ không gây thay đổi gì nhiều đối với hệ sinh thái.

Vũ khí chủ yếu chống lại muỗi A. aegypti, gồm thuốc diệt côn trùng và giáo dục ý thức người dân, có hiệu quả thấp trong việc ngăn ngừa bệnh lây lan.

Ngoài ra, còn có phương pháp sử dụng phóng xạ để kiểm soát côn trùng. Những con côn trùng đực bị làm cho vô sinh được thả ra ngoài môi trường để giao phối với con cái để chúng không thể sinh con và làm mất khả năng sinh sản của côn trùng cái.

Vấn đề khó trong việc xác định lượng phóng xạ đủ để khiến côn trùng bị mất khả năng sinh sản mà không làm tổn thương con đực quá để chúng không hấp dẫn nổi muỗi cái. Các nhà khoa học thử nghiệm thành công với ruồi giấm và một số côn trùng khác, nhưng không thành công với muỗi vì muỗi quá yếu sau khi bị “triệt sản”.

Luke Alphey, nhà khoa học hàng đầu ở Oxitec, thấy rằng phương pháp trên không hiệu quả, và tìm ra phương pháp thay thế bằng cách thay đổi gene, khiến con muỗi vẫn có khả năng sinh sản, nhưng rất hạn chế. Alphey tạo ra loại muỗi cần thuốc kháng sinh tetracycline để phát triển ở giai đoạn sau ấu trùng. Những muỗi đực bị biến đổi gene được cho ăn thuốc tetracycline trong phòng thí nghiệm, sau đó được thả ra tự nhiên để chúng giao phối với muỗi cái. Con của chúng sau khi sinh ra cũng cần tetracycline mới phát triển được, nếu không sẽ chết. Chỉ có muỗi đực được thả ra tự nhiên, và trong vài ngày, cả chúng và con chúng đều chết.

Công ty côn trùng Oxford, tên đầy đủ của Oxitec, tin rằng kỹ thuật này rất hiệu quả, chi phí thấp và ít gây hại cho môi trường hơn là sử dụng thuốc diệt côn trùng, nhưng trở ngại lớn nhất là mọi người vẫn ác cảm với cụm từ “biến đổi gene”. Những người chỉ trích coi đây là hành động tàn nhẫn của một công ty lớn nhằm mục đích độc quyền thị trường vì mục đích thương mại, và sẽ gây ra nhiều hậu quả chưa thể lường trước được.

Công ty Oxitec nói rằng họ không giống một công ty đa quốc gia. Họ chỉ thuê 40 người, trong đó 35 người là nhà khoa học. Họ không có bộ phận quan hệ công chúng hoặc nhân viên chuyên phụ trách mảng này, mà chỉ có Hadyn Parry và một số nhà khoa học cao cấp chịu trách nhiệm giải thích vấn đề này với mọi người.

Khác với cây trồng biến đổi gene, muỗi biến đổi gene của Oxitec không truyền gene cho những con muỗi khác hoặc loài côn trùng khác.

Những người chỉ trích nói rằng Oxitec đang hấp tấp thương mại hóa sản phẩm của mình để thu được hiệu quả đầu tư, trong khi vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. TS. Helen Wallace, giám đốc tổ chức phi chính phủ GenWatch, nói rằng bà phát hiện ra rất nhiều vấn đề trong phần kết luận thử nghiệm của Oxitec.

Một vấn đề lớn là thuốc kháng sinh tetracycline – loại kháng sinh mà muỗi nhỏ cần để sống sót – có nhiều ở gia súc và côn trùng. Vì thế, về mặt lý thuyết, khi muỗi con được sinh ra mà chúng đốt vào thịt hoặc động vật có tetracycline thì nó sẽ sống sót. Oxitec cho biết xác xuất xảy ra những trường họp này là rất thấp, và thử nghiệm trên đảo Cayman cho thấy không một con muỗi nào có thể sống sót.

Hồi đầu năm nay, các nhà khoa học ở Viện sinh học tiến hóa Max Planck (Đức) xem xét việc thả côn trùng ở Malaysia và Cayman do Oxitec thực hiện. Kết quả cho thấy “các văn bản quy định không đáp ứng đủ chất lượng khoa học, và thiếu mô tả thực nghiệm chính xác trước khi tiến hành thả”.

Oxitec đang gặp khó ở những nước như Mỹ, nhưng gặp ít trở ngại hơn ở các quốc gia mà sốt xuất huyết đang hoành hành. Càng ở những nước có nhiều người bị sốt xuất huyết thì chính quyền càng dễ thử cách mới. Nếu Brazil đang ở những năm 70 thì họ không có muỗi A. aegypti, và giờ họ đang có hàng triệu bệnh nhân và phải chi trả hàng tỷ USD mỗi năm để thoát khỏi nó.

Oxitec giờ đang hợp tác với một công ty ở Brazil để sản xuất muỗi biến đổi gen tại nước này sau khi thử nghiệm thành công. Báo cáo gần đây cho biết muỗi biến đổi gen làm giảm 85% muỗi Aedes so với những vùng chưa được thả. Nếu đợt thả tiếp theo cũng thành công thì Oxitec sẽ nộp đơn xin cấp giấy phép thương mại để có thể kiếm tiền, lần đầu tiên trong lịch sử của công ty.

Nếu không tính chi phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, Oxitec ướng tính kỹ thuật này sẽ chỉ tốn mỗi người 6 bảng (khoảng 200.000 đồng) mỗi năm, và chi phí này còn thấy hơn ở một nước có nhân công rẻ như Ấn Độ. Vì thế, Oxitec nói rằng đây không phải là công cụ của người giàu, và cũng không phải được tạo ra để bảo vệ người giàu.

Theo khoahoc.baodatviet.vn