Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu hệ gene phát hiện loài lưỡng cư mới có tên ếch cây thảo (Zhangixalus thaoae) và nhái lùn nâu (Vietnamophryne aurantifusca).
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu hệ gene cùng các nhà khoa học Đức và Nga phát hiện loài ếch cây thảo (Zhangixalus thaoae) tại tỉnh Lào Cai. Loài này thuộc giống Zhangixalus, được phát hiện ở độ cao gần 1.900 m so với mực nước biển. Công trình vừa được công bố trên tạp chí Zookeys ngày 8/4, nâng số loài thuộc giống này được ghi nhận ở Việt Nam lên 10.
Loài ếch cây là nhóm ếch có môi trường sống chính ở trên cây. Chúng có nhiều màu sắc đẹp nhất trong lớp lưỡng cư ở Việt Nam. Ếch cây thảo mang những đặc điểm hình thái đặc trưng như phần chân sáng màu và đôi mắt màu đỏ. Tuy nhiên loài mới có đặc điểm hình thái khác biệt với các loài khác trong cùng giống như mặt lưng của đầu và thân màu xanh không có đốm, có một “đốm đen lớn” trên phần đùi màu cam, mặt dưới của màng màu cam có một số hoa văn màu xám, mống mắt màu đỏ đồng.
PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo, Viện Nghiên cứu hệ gene, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết loài ếch cây mới được phát hiện trong quá trình nghiên cứu khảo sát thực địa ở khu vực rừng thuộc địa phận Y Tý, tỉnh Lào Cai. Mới nhìn qua về hình thái ngoài loài này rất dễ nhầm với các loài đã mô tả trước đó, nhưng khi so sánh về di truyền có sự tách biệt. Kiểm tra kỹ các mẫu vật có một số đặc điểm hình thái khác biệt rõ ràng. Nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu sinh học, sinh thái của loài mới này như tìm hiểu về sinh sản, mô tả nòng nọc và kích thước quần thể loài mới ngoài tự nhiên.
Trước đó, nhóm nghiên cứu của PGS Tạo cũng phát hiện loài nhái lùn nâu cam tại Tuyên Quang. Nhái lùn nâu cam có tên khoa học Vietnamophryne aurantifusca, dựa theo màu sắc cơ thể đặc trưng, sự kết hợp của màu cam theo tiếng La tinh (aurantium) và màu nâu (fuscus).
Loài mới có các đặc điểm hình thái tương đồng với loài nhái lùn chiang rai V.occidentalis phân bố ở Thái Lan, tuy nhiên, đặc trưng bởi màu nâu cam ở lưng với đốm đen lớn, ngực và bụng màu vàng cam.
PGS Tạo cho hay cả hai loài mới đều được phát hiện có phân bố ở miền Bắc Việt Nam, cho thấy khám phá mới về khu hệ lưỡng cư ở Việt Nam có tính đa dạng cao về thành phần loài và tiềm ẩn nhiều thú vị, nhất là những địa điểm khó tiếp cận trên núi cao.
Theo vnexpress