Phát hiện ra loài thực vật ven biển ở Wellington, Niu Di-lân có thể giúp cải thiện đặc tính chịu mặn của cây trồng

Một nhà khoa học thuộc trường Đại học Victoria ở Wellington, Niu Di-lân đã thực hiện một bước đột phá khoa học có thể thay đổi cách thức các quốc gia đối phó với tình trạng diện tích đất nhiễm mặn ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến mùa vụ.

Nhà sinh học thực vật Gagandeep Jain đã thu thập các mẫu thực vật dọc khu vực Red Rocks khi ông nhận thấy mẫu vật của cây giọt băng – một loại cây trồng bản địa của Niu Di-lân (Disphyma Australe) có sắc tố đỏ ở các mức độ khác nhau, thay đổi theo khoảng cách của cây tính từ bờ biển.

Gagandeep cho rằng các chất màu đỏ, được gọi là betalains có ở cây trồng có khả năng chịu được độ mặn. Muối gây hại cho nhiều loài thực vật và ở một số nước, tình trạng độ mặn trong đất tăng làm giảm sản lượng các loại cây trồng nông nghiệp truyền thống như lúa mì và ngô.

Sau sáu tháng thử nghiệm thành phần hóa học của cây giọt băng xanh, đỏ và cây giọt băng có nhiều màu, Gagandeep phát hiện lý thuyết của ông là đúng. Ông nói: “Các chất màu đỏ đóng vai trò như một lá chắn. Chúng bảo vệ các mô thực vật khỏi các gốc tự do được hình thành khi cây trồng đối mặt với độ mặn cao và ánh sáng mặt trời mạnh”.

Nghiên cứu của Gagandeep cho thấy khi các sắc tố đỏ được được đưa vào cây giọt băng màu xanh lá cây, các sắc tố này có thể chống chịu được với tình trạng nhiễm mặn.

Giáo sư thực vật Kevin Gould thuộc Đại học Victoria cho biết nghiên cứu của Gagandeep có thể giúp tìm ra các giải pháp tăng khả năng chống chịu của cây trồng với tình trạng độ mặn của đất ngày càng tăng lên.

Giáo sư Gould cho biết những vùng đất nông nghiệp lớn ở Ôx-trây-lia, châu Phi và Ấn Độ đã không thể sử dụng được do độ mặn của đất gia tăng. Các nhà khoa học trên toàn thế giới đang cố gắng lai tạo các giống cây trồng biến đổi gien nhằm cải thiện khả năng chịu mặn. Việc cải tạo đất mặn là có thể, nhưng giải pháp này đòi hỏi chi phí cao và chỉ mang tính tạm thời.

Nghiên cứu của Gagandeep cho thấy có thể có một chiến lược thay thế. Nếu có thể đưa các gien nói trên vào các loại cây trồng khác để sản sinh ra betalain, các loại cây trồng truyền thống có thể vẫn tiếp tục trồng trên đất nhiễm mặn.

Nghiên cứu của Gagandeep gần đây đã được công bố trên tạp chí khoa học New Phytologist. Ông hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu của mình bằng cách kiểm tra xem liệu các enzim tạo nên đặc tính kháng mặn có thể đưa vào các loài thực vật khác hay không.