Phát hiện sếu đầu đỏ bay về Vườn quốc gia Tràm Chim

Theo thông tin từ Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) cho biết sáng ngày 26/12, một đàn sếu 7 con bay về Vườn theo hướng phân khu A5, với khoảng cách khá gần, kêu lớn, đàn sếu về sớm từ tháng 12, cũng là thời điểm sếu bắt đầu rời nơi sinh sản phía Bắc Campuchia để về vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều năm trước, Sếu đầu đỏ cũng bắt đầu về Vườn quốc gia Tràm Chim vào thời điểm này.

Bảy cá thể sếu đầu đỏ (ảnh cắt từ clip) do nhân viên bảo vệ Trạm Phú Hiệp ghi lại

(Ảnh: Báo Nhân dân)

Việc sếu trở về là tín hiệu mừng, báo hiệu hệ sinh thái ở đây dần phục hồi. Hiện nay, các bãi năn – thức ăn khoái khẩu của sếu ở các phân khu A1, A4 và A5 phục hồi khá tốt. Bên cạnh đó, môi trường vùng đệm xung quanh đang được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để các loài chim quý hiếm trong đó có sếu quay lại sinh sống, tìm thức ăn.

Hai tuần trước (ngày 12/12), UBND tỉnh Đồng Tháp công bố “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”. Mục tiêu chung của Đề án nhằm phục hồi và phát triển Sếu đầu đỏ tại Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Dự kiến trong 10 năm đầu, Đồng Tháp sẽ đưa về Tràm Chim 100 cá thể sếu từ Thái Lan về nuôi, nhân giống và thả ra tự nhiên, trong đó có ít nhất 50 cá thể sống tốt quanh năm tại Tràm Chim.

Đến nay, đề án đã triển khai một số việc cụ thể, gồm: Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên và ký kết biên bản thỏa thuận các hoạt động với đối tác của Thái Lan; triển khai một số chương trình phục hồi hệ sinh thái trong Vườn quốc gia Tràm Chim; triển khai mô hình canh tác lúa sinh thái hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ chung quanh vùng đệm; xây dựng cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ nuôi sếu…

Sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg. Sếu ba năm tuổi sẽ bắt cặp để sinh sản và mất một năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo.

Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc địa bàn huyện Tam Nông, có diện tích 7.313 ha, là hệ sinh thái đất ngập nước còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa. Vườn có hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim đặc hữu của vùng. Năm 2012, Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.

Đây là lần thứ 2 trong năm ghi nhận sếu về Tràm Chim. Tháng 3, đàn sếu bốn con bay về Tràm Chim, đáp xuống bãi năn trong khoảng nửa giờ.

NBCA