Phát triển cây trồng biến đổi gen: Nhìn từ Philippines

Cho đến nay, Phillipines đã có hành trình hơn 10 năm thương mại hóa cây trồng biến đổi gen. Tất cả những khó khăn ban đầu đã qua, nông dân nước này đã thực sự tin tưởng vào một giống cây trồng mới, có thể mang đến ấm no, hạnh phúc.

 

Hành trình gian nan
 
Còn nhớ, khi Chính phủ Philippines chính thức đưa giống ngô chuyển gen kháng sâu Bt vào sản xuất thương mại, đã có những cuộc tranh luận, những cuộc biểu tình gay gắt nổ ra. Nhưng bây giờ, những tranh cãi, những cuộc biểu tình đã lùi vào dĩ vãng, giống ngô biến đổi gen đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân Philippines và đã trở thành mô hình học tập của người dân ở các quốc gia láng giềng quan tâm đến loại cây trồng chuyển gen này.
 
Tính đến thời điểm này, Philippines là quốc gia duy nhất ở châu Á cho phép trồng ngô Bt. Chính phủ nước này cho phép trồng thương mại ngô Bt vào cuối tháng 12/2002, kể từ đó, những cánh đồng trồng giống ngô lai truyền thống đã được nhanh chóng thay thế bằng ngô Bt và diện tích có sự phát triển nhảy vọt. Nếu như năm 2003, Philippines chỉ có khoảng 11.000ha trồng ngô Bt thì đến năm 2011, diện tích trồng giống ngô mới này đã lên đến 690.000ha. 
 
Tiến trình ứng dụng ngô Bt ở Ở Philippines là những bước nhảy vọt. Từ chỉ khoảng 11.000 ha vào năm 2003, diện tích trồng ngô Bt đã đạt tới 690.000 ha vào năm 2011. Theo số liệu của Cục Trồng trọt (BPI), Bộ Nông nghiệp Philippines, diện tích trồng ngô Bt lớn nhất đất nước này là ở khu vực 2 và thung lũng Cagayan của đảo Luzon.
 
Chú thích ảnh: Nông dân Philippines hoàn toàn tin tưởng vào giống ngô biến đổi gen.
 
Ban hành các chính sách một cách an toàn và có trách nhiệm
 
Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công trong quá trình thương mại hóa giống ngô Bt ở Philippines là Chính phủ nước này đã ban hành những quy định và những chính sách khuyến khích việc trồng, sử dụng các sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen một cách an toàn và có trách nhiệm. Điều này có nghĩa là bất cứ giống, cây trồng biến đổi gen khi nhập vào Philippines phải được kiểm tra về an toàn thực phẩm, đánh giá tác động ảnh hưởng đến môi trường và các vấn đề liên quan đến công nghệ ứng dụng. 
 
Theo đó, năm 1990, Ủy ban quốc gia về an toàn sinh học của Philippines đã đưa ra khung pháp lý trên nhờ nỗ lực và đóng góp của nhiều cơ quan liên quan, các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ biến đổi gen và các nhóm quan tâm. Từ đó đến nay, Philippines tiếp tục hoàn thiện các quy định và ghi nhận những vấn đề phát sinh từ phía người dân liên quan đến vấn đề này. Họ đã thử nghiệm cây trồng biến đổi gen năm 1999 và sản xuất thương mại từ năm 2003. Trong thời gian này, có rất nhiều quan ngại về loại cây trồng này và ngành chức năng đã giải quyết vấn đề thông qua đối thoại dựa vào cơ sở khoa học để người dân chấp nhận các sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen. 
 
Từ thực tế triển khai ở đất nước mình, theo TS. Reynaldo V. Ebora, Giám đốc Viện Sinh học phân tử và Công nghệ sinh học quốc gia (Đại học Philippines Los Banos), lợi ích của cây trồng biến đổi gen là giúp nông dân tăng thu nhập từ việc sản xuất những sản phẩm có năng suất cao hơn với chi phí thấp hơn.
 
Tiến sĩ Reynaldo V. Ebora cho rằng, các nghiên cứu khoa học và phân tích về các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen, bao gồm bắp đã cho thấy các sản phẩm biến đổi gen an toàn cho người sử dụng như các sản phẩm nông nhiệp được trồng thông thường. Trong suốt 14 năm qua, các loại cây trồng biến đổi gen đã được sản xuất và sử dụng mà không gây ra bất cứ sự cố nào về sức khỏe. 
 
Công nghệ biến đổi gen hiện đang được áp dụng cho các loại cây trồng ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Nếu nông dân trồng các loại cây trồng thông thường thì họ sẽ phải dùng nhiều thuốc diệt côn trùng để bảo vệ mùa màng và như thế dư lượng thuốc sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các sản phẩm thu hoạch mà còn cả đến môi trường. 
 
“Một trong những lợi ích chính của công nghệ biến đổi gen là giúp nông dân không cần phải phun thuốc diệt côn trùng lên cây trồng để đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm thu hoạch. Chẳng hạn đối vối cây bắp biến đổi gen sẽ kháng được các loại côn trùng đục cùi bắp, và như thế sẽ giúp nông dân thu hoạch được những trái bắp có hạt chất lượng hơn và sản lượng tăng cao hơn, có thể đến 35% so với sản phẩm thông thường tùy thuộc vào từng vùng mà họ trồng. Ngoài việc không phải chi tiền cho việc mua, xịt thuốc trừ côn trùng, hạt bắp chất lượng hơn sẽ bán được giá cao hơn và nông dân sẽ có thu nhập cao hơn”, TS. Reynaldo V. Ebora nói. 
 
Nói tóm lại, công nghệ biến đổi gen sẽ giúp mang lại cho người dân thêm sự lựa chọn trồng các loại cây trồng nông nghiệp kháng sâu và côn trùng bên cạnh các loại cây thông thường và cây lai. Trong thực tế tại Philippines, nông dân và các công ty áp dụng công nghệ sinh học biến đổi gen vào canh tác vì họ có được sự lựa chọn tốt hơn so với công nghệ thông thường. 
 
Đây sẽ là những bài học để Việt Nam có thể nghiên cứu, sớm đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất như một giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.