Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đã có nhiều chuyển biến, huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái cũng được chú trọng phục hồi, đặc biệt là diện tích rừng trồng tăng lên, nhiều khu vực san hô được tái tạo. Công tác bảo tồn loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm được đẩy mạnh. Công tác thu thập, lưu giữ bảo tồn nguồn gen được thực hiện hàng năm và tăng đáng kể.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐDSH dần được hoàn thiện và tăng cường hiệu quả trong quá trình thực thi. Cùng với Luật Đa dạng sinh học, việc ban hành và sửa đổi các luật như: Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017, Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 và các văn bản khác đã tạo ra một hệ thống văn bản pháp luật thống nhất và hiệu quả. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã có một bộ luật riêng về ĐDSH từ năm 2008 – Luật Đa dạng sinh học, và cũng là một trong các quốc gia đi đầu trong khu vực khi ban hành Nghị định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, được quốc tế và các nước trong khu vực Đông Nam Á đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen như:
- Tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn nguồn gen vật nuôi
– Việc bảo tồn Insitu số lượng được bảo tồn/giống/đối tượng nguồn gen vật nuôi bản địa là quá ít nên dễ mất sự đa dạng, dễ bị cận huyết và suy giảm chất lượng.
– Công tác bảo tồn đa số thực hiện tại các địa phương, hộ nông dân nơi có nguồn gen. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí và kỹ thuật. Do vậy nguồn gen vật nuôi vẫn là tài sản của họ và họ có quyền trao đổi, mua bán bất cứ lúc nào.
– Một số nguồn gen chỉ được bảo tồn ở một nơi, địa bàn hẹp nên dễ mất khi có dịch bệnh hoặc thiên tai xảy ra. Vật nuôi thả rông nên nguy cơ tạp giao rất cao.
- Tồn tại, hạn chế trong công tác Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen thủy sản
Thực trạng công tác quản lý, bảo tồn, lưu giữ và khai thác nguồn gen động thực vật trong những năm qua mới chỉ chú trọng trong công tác lưu giữ các nguồn gen ngoài thực địa, các hoạt động triển khai mới chỉ mang tính chất thăm dò, các mô hình lưu giữ chủ yếu là trong ao, lồng. Việc bảo tồn lưu giữ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro vì tác động của điều kiện tự nhiên, môi trường, dịch bệnh. Các đánh giá mới chỉ dừng lại ở phân bố địa lý, đặc điểm hình thái, sinh học sinh sản với số lượng loài còn hạn chế, chưa đánh giá đúng với hiện trạng và tiềm năng khai thác của nhiều loài có giá trị kinh tế.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện chương trình bảo tồn lưu giữ nguồn gen còn nhiều hạn chế về kiến thức quản lý, chăm sóc nguồn gen cũng như hiểu biết về các kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong đánh giá các đặc điểm di truyền, lưu giữ bảo quản DNA, bảo quản tinh đông lạnh…
Công tác xét duyệt đưa đối tượng vào lưu giữ hoặc đưa ra khỏi danh mục lưu giữ còn gặp nhiều vướng mắc do chưa có nhưng tiêu chí cụ thể. Một số đối tượng đã khai thác thành công nhưng không được đưa vào phát triển rộng rãi do công tác thông tin tuyên truyền đến người dân còn hạn chế. Công tác tái tạo nguồn lợi đối với các nguồn gen đã được nghiên cứu và khai thác còn chưa được chú trọng. Việc bảo tồn, đánh giá các nguồn gen còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí. Nhiều cơ sở vật chất sử dụng để bảo tồn nguồn gen hiện nay đã xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa.
- Tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật
– Phương pháp bảo quản còn đơn giản, số lượng nguồn gen được bảo quản bằng các phương pháp bảo quản dài hạn còn hạn chế; Cơ sở bảo quản và lưu giữ nguồn gen còn chưa đủ hoặc thiếu trang thiết bị chuyên dụng, phục vụ bảo quản dài hạn nguồn gen vi sinh vật như bình nitơ lỏng, máy đông khô; Chưa có phòng riêng cho bảo quản và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật;
– Số lượng nguồn gen vi sinh vật được bảo quản, lưu giữ còn ít so với các bảo tàng vi sinh vật nông nghiệp trên thế giới;
– Công tác phân lập, tuyển chọn nguồn gen vi sinh vật hiện nay đang tập trung theo hướng phục vụ khai thác sử dụng. Chưa đánh giá được tính đa dạng của nguồn gen vi sinh vật theo tính chất đất, loại cây trồng và theo vùng sinh thái;
– Công tác đánh giá nguồn gen đã được chú trọng; Tuy nhiên, do cán bộ nghiên cứu làm công tác định loại, đánh giá chi tiết nguồn gen chưa đáp ứng về số lượng, trình độ và kinh phí còn eo hẹp nên số lượng nguồn gen được đánh giá ban đầu, đánh giá chi tiết còn khiêm tốn, đặc biệt việc đánh giá các đặc điểm di truyền còn quá ít;
– Nguồn gen vi sinh vật được đưa vào khai thác, sử dụng trong sản xuất phân bón, chế phẩm vi sinh vật và phòng trừ dịch hại còn ít, chưa đáp ứng được thực tế sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường;
– Cơ sở dữ liệu nguồn gen bước đầu đã được xây dựng, tuy nhiên chưa xây dựng được mạng lưới nguồn gen vi sinh vật trồng trọt, bảo vệ thực vật trong cả nước cũng như tham gia vào mạng lưới nguồn gen vi sinh vật nông nghiệp nói chung trong khu vực và trên thế giới. Do đó, việc giới thiệu, quảng bá và khai thác sử dụng nguồn gen vi sinh vật còn hạn chế.
– Chưa đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn, đánh giá và khai thác nguồn gen với các tổ chức quốc tế.
Một số đề xuất, kiến nghị nhằm hạn chế, khắc phục những khó khăn trên:
– Rà soát việc thực hiện các nội dung chương trình, đề án củng cố xây dựng các cơ sở bảo tồn đã được ưu tiên trong chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học;
– Tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen:
+Nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý về bảo tồn nguồn gen;
+ Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông sâu rộng và thường xuyên tới mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về tầm quan trọng, các hành động nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen;
– Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen và đa dạng sinh học;
– Tăng cường nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học
+ Nhà nước bảo đảm nguồn lực, ngân sách cho việc thực hiện các hoạt động của Chiến lược thông qua các chương trình, đề án, dự án ưu tiên;
+ Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho đa dạng sinh học;
+ Tăng cường sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học;
– Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học;
+ Chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các Điều ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học;
+ Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực nước ngoài cho bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học;
+ Tăng cường học tập, trao đổi nguồn lực, kinh nghiệm với các nước, tổ chức quốc tế về bảo tồn lưu giữ nguồn gen và sử dụng bền vững đa dạng sinh học./.
NBCA