Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quan điểm này khi chủ trì cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), sáng 10/5.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải tiếp cận trên quan điểm “phát triển dựa trên bảo tồn, bảo tồn vì mục đích phát triển” – Ảnh: VGP/Minh Khôi
Bảo tồn đa dạng sinh học dưới góc độ quy hoạch quốc gia
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có giá trị đa dạng sinh học cao, nhiều giống loài mang tính đặc hữu được thế giới ghi nhận, cần được bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững. Những năm qua, chúng ta đã có nhiều quy hoạch dưới các tên gọi khác nhau để bảo tồn, quản lý, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học như quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên, đất ngập nước, các di sản thiên nhiên của khu vực, thế giới…, tuy nhiên, mô hình phát triển kinh tế truyền thống lại đang chủ yếu dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Nhấn mạnh, lần đầu tiên công tác bảo tồn đa dạng sinh học được tiếp cận dưới góc độ quy hoạch quốc gia, mang tính toàn diện, bao trùm, Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch phải bảo đảm tính tổng thể, khái quát, vừa kế thừa, vừa tích hợp và giải quyết được các mối quan hệ với các luật, quy hoạch khác về: Bảo vệ môi trường, lâm nghiệp, thuỷ sản, mua bán vận chuyển sản phẩm động thực vật hoang dã,…; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với việc bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới; cập nhật tư duy, quan điểm, mục tiêu mới về bảo tồn sinh học trên thế giới.
“Quy hoạch đang đặt ra mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học khoảng 3 triệu ha đất liền (9% diện tích đất liền) và 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, nhưng tiêu chuẩn bảo tồn mới trên thế giới cho rằng phải nâng tỉ lệ diện tích đất liền và đại dương được bảo tồn đa dạng sinh học lên 30%. Vì vậy, cách thức xử lý “bài toán” bảo tồn đa dạng sinh học ở từng quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần phù hợp với yêu cầu phát triển”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ và cho rằng Quy hoạch phải thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển, có tầm nhìn dài hạn, là công cụ định hướng chủ trương ưu tiên đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học, trên quan điểm “phát triển dựa trên bảo tồn, bảo tồn vì mục đích phát triển”.
Nhiều áp lực đối với các hệ sinh thái, khu bảo tồn
Tại cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo kết quả thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014).
Theo đó, đến năm 2020, cả nước có 178 khu bảo tồn (vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài-sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan) với diện tích 2,66 triệu ha; tại vùng Nam Trung Bộ có 3 hành lang đa dạng sinh học cấp tỉnh đã được thành lập và quản lý với tổng diện tích 298.146 ha; đã phát hiện, ghi nhận 43.500 loại động vật trên cạn và dưới nước; 17.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước (không kể 2.200 loài nấm lớn); số lượng các loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh; bảo tồn được 14.000 nguồn gen cây trồng, vật nuôi…
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay đang chịu áp lực từ những thay đổi về dân số làm tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất ven biển (đầm phá, bãi triều) phục vụ phát triển kinh tế; tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…
Hầu hết các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái hoặc giảm diện tích. Các loại hoang dã, đặc biệt số lượng của các loài nguy cấp bị giảm nghiêm trọng. Một số nguồn gen vật nuôi có số lượng cá thể quá ít.
Nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện đa dạng sinh học còn hạn chế.
Hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học
Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái, lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu, dự báo xu thế biến đổi và nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai…
Quy hoạch kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đà suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ;…. Quy hoạch cũng tăng thêm 3 đối tượng bảo tồn đa dạng sinh học gồm: Khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng và đất ngập nước quan trọng.
Quy hoạch nhằm mục tiêu: Gia tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.
Cụ thể, đến năm 2030 diện tích các khu bảo tồn trên cạn đạt gần 3 triệu ha (tương đương 9% diện tích đất liền), tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3%-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Số khu bảo tồn tăng từ 178 lên 256 đơn vị, trong đó thúc đẩy các khu bảo tồn đất ngập nước và biển. Đồng thời, thành lập các cơ sở nuôi trồng loài nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ, tăng cường năng lực cứu hộ động vật hoang dã; lưu giữ bảo quản giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa-lịch sử…
Đánh giá kỹ tác động của Quy hoạch đối với tăng trưởng kinh tế-xã hội
Tại cuộc họp, các uỷ viên phản biện, thành viên hội đồng thẩm định, các nhà khoa học, đại diện địa phương… tiếp tục trao đổi thẳng thắn về các nội dung của dự thảo Quy hoạch: Cơ sở khoa học, tư duy, phương pháp luận, tầm nhìn, giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, mở rộng các khái niệm về bảo tồn, giá trị cảnh quan sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn tự nhiên…
Các ý kiến cũng làm rõ thêm nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình tổ chức thực hiện, cũng như định hướng tiếp tục cập nhật, phát triển nội dung của Quy hoạch.
GS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Giảng viên cao cấp Đại học quốc gia Hà Nội đề nghị cần nâng diện tích các khu bảo tồn ở những vùng đa dạng sinh học, có hệ sinh thái quan trọng; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các khu bảo tồn mới thiết lập…
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho rằng đánh giá kỹ về tác động của Quy hoạch đối với tăng trưởng kinh tế-xã hội; số hoá dữ liệu để các địa phương sử dụng khi điều chỉnh, cập nhật đồng bộ với các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Nêu thực tế những nơi có tỉ lệ che phủ rừng cao thì người dân rất nghèo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn kiến nghị việc bảo tồn đa dạng sinh học phải gắn liền với việc tạo sinh kế, nâng cao mức sống cho người dân địa phương, khai thác hiệu quả giá trị kinh tế do đa dạng sinh học đem lại, trong đó có việc thực hiện Quy hoạch mới thực chất.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thay đổi quan điểm, có tư duy mới trong bảo tồn, khai thác, sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học, hài hoà với phát triển kinh tế-xã hội – Ảnh: VGP/Minh Khôi
“Đánh thức” giá trị cảnh quan, tài nguyên đa dạng sinh học
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là Quy hoạch bao trùm lãnh thổ đất liền, vùng biển quốc gia nên có liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch đất đai, quy hoạch biển cũng như các quy hoạch ngành nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, y tế, thủy sản, giao thông vận tải, quốc phòng, an ninh, quy hoạch của địa phương… Vì vậy, Quy hoạch phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, không xung đột, chồng chéo với các quy hoạch khác.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tư vấn cần đổi mới phương pháp tiếp cận, quan điểm, tư duy xây dựng Quy hoạch, trong đó xác định chính xác vai trò, vị thế của tài nguyên đa dạng sinh học, phương thức khai thác, sử dụng bền vững cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm môi trường sống bền vững. Đặc biệt, Quy hoạch phải đánh giá được tác động đến việc phát triển kinh tế-xã hội và ngược lại.
Nhấn mạnh quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển dựa vào bảo tồn”, Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch cần “vừa tĩnh, vừa động” hoặc “vừa đóng, vừa mở”.
Thứ nhất là nhóm mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, giải pháp có cơ sở pháp lý chắc chắn, đã được triển khai trên thực tế. Thứ hai là bộ công cụ, tiêu chí mang tính mở, linh hoạt để xác định những giá trị tài nguyên đa dạng sinh học tại các khu vực, hệ sinh thái cần bảo tồn, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế, gắn với sinh kế người dân.
Phó Thủ tướng phân tích thêm: Nếu bảo tồn chỉ đơn giản là khoanh lại và giữ nguyên thì không phát triển được kinh tế, ngược lại chỉ tập trung phát triển kinh tế thì sẽ không thể bảo tồn hiệu quả. Do vậy, Quy hoạch phải hài hòa hai mục tiêu này, trong đó bảo tồn phải thay đổi trước một bước, “đánh thức” giá trị cảnh quan, tài nguyên đa dạng sinh học để quản lý, khai thác, sử dụng triệt để, bền vững bằng các dịch vụ sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Đối với các hệ sinh thái như rừng đồng bằng, đất ngập nước ven biển đang bị suy thoái, suy giảm thì phải có công cụ, tiêu chí để xác định, chứng minh giá trị kinh tế, sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu cao hơn nhiều so với việc chuyển đổi sang làm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm khu công nghiệp… thì mới bảo tồn được”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Trong đô thị có rừng, trong rừng có đô thị
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng gợi mở những định hướng lớn, quan điểm, tư duy mới về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học như: Trong đô thị cũng có thể có các khu bảo tồn như rừng, hồ, đất ngập nước, trong các khu bảo tồn cũng có thể hình thành đô thị, thậm chí trong một toà nhà cũng có thể bảo tồn một hệ sinh thái đầy đủ…
“Có như vậy mới có thể gắn bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển, khai thác dịch vụ xanh, kinh tế xanh, du lịch…, bảo tồn vì nhân sinh, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn mới về bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với việc tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy hoạch, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật đầy đủ, chính xác số liệu có kiểm chứng, trích dẫn đầy đủ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị các lớp dữ liệu mang tính liên ngành về bảo tồn đa dạng sinh học; xác định một số dự án ưu tiên để khảo sát, điều tra, triển khai bảo tồn gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…
Nguồn Chinhphu.vn