Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái, đặc biệt là các khu đất ngập nước. Tại Việt Nam, đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cung cấp đa dạng sinh học và duy trì sinh kế cộng đồng. Tuy nhiên, những tác động của BĐKH đang gây nguy cơ suy thoái nghiêm trọng các khu vực này.
Đất ngập nước và biến đổi khí hậu có mối quan hệ tương tác phức tạp và quan trọng, ảnh hưởng lẫn nhau theo nhiều cách: Đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu biến đổi khí hậu bao gồm: Hấp thụ và lưu trữ carbon do có thành phần đất than bùn; Điều hòa khí hậu thông qua việc duy trì độ ẩm trong không khí, làm mát khu vực xung quanh, và giảm hiện tượng nhiệt độ cực đoan, trong đó các khu vực đất ngập nước lớn như rừng ngập mặn còn đóng vai trò như rào chắn tự nhiên, giảm thiểu tác động của bão và nước biển dâng; Bảo vệ nguồn nước bằng cách lọc và làm sạch nước, cung cấp nguồn nước ngọt, và duy trì dòng chảy tự nhiên, đặc biệt trong các khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán hoặc lũ lụt.
Tuy nhiên, trong bối BĐKH gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến đất ngập nước như hiện nay đã gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa các khu vực ngập nước ngọt như: mực nước biển dâng cao, lũ lụt thường xuyên và hạn hán kéo dài. Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đang tác động nghiêm trọng đến sinh kế và nguồn tài nguyên của khu vực như: Xâm nhập mặn (BĐKH dẫn đến nước biển dâng, làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn vào các vùng đất ngập nước ven biển, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và các loài sinh vật sống tại đây); Hạn hán và thay đổi lượng mưa làm giảm lượng nước cung cấp cho đất ngập nước, dẫn đến suy thoái hoặc mất đi các hệ sinh thái quan trọng; Nhiệt độ tăng cao làm thay đổi các điều kiện sinh thái, ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của các loài sinh vật trong đất ngập nước; Giải phóng khí nhà kính khi đất ngập nước bị suy thoái hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng (như khai thác than bùn), lượng carbon lưu trữ trong đất có thể được giải phóng dưới dạng khí CO₂ và CH₄, góp phần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Giải pháp quản lý đất ngập nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Đất ngập nước được xem là “những lá phổi xanh” của hành tinh, có khả năng lọc khí, giảm thiểu lũ lụt và duy trì ngôi nhà cho nhiều loài sinh vật. Tại Việt Nam, các khu đất ngập nước như Vườn quốc gia Tràm Chim, Cà Mau, và khu vực đồng bằng sông Cửu Long là những vùng quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước ngọt, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với tác động của BĐKH. Để quản lý, bảo tồn và sử dụng đất ngập nước hiệu quả, bền vững, một số giải pháp hiện đang được đẩy mạnh thực hiện bao gồm:
Tăng cường công tác quy hoạch: Quy hoạch đất ngập nước phải được tích hợp với các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội để đảm bảo bên vữ trong bối cảnh BĐKH.
Quản lý bền vững: Sử dụng đất ngập nước một cách bền vững, hạn chế các hoạt động khai thác không bền vững như nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển đổi đất ngập nước thành đất nông nghiệp.
Xây dựng các khu bảo tồn: Việc thiết lập các khu bảo tồn như Vườn quốc gia, khu bảo tồn sinh quyển là một trong những giải pháp hiệu quả để duy trì đa dạng sinh học.
Phát triển kinh tế xanh: Đẩy mạnh các mô hình kinh tế xanh, như du lịch sinh thái và nông nghiệp bền vững, để hạn chế khai thác quá mức tài nguyên.
Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng: Tăng cường nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng của đất ngập nước và các nguy cơ từ BĐKH.
Bảo tồn và phục hồi: Các chương trình bảo tồn đất ngập nước cần được đẩy mạnh, bao gồm việc khôi phục các vùng đất ngập nước bị suy thoái.
Hợp tác quốc tế: Đất ngập nước có ý nghĩa toàn cầu, do đó cần sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc thực hiện các cam kết quốc tế như Công ước Ramsar và Thỏa thuận Paris.
Đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chúng cũng rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi của khí hậu toàn cầu. Việc bảo vệ và phục hồi đất ngập nước không chỉ là trách nhiệm của các quốc gia, mà còn là nhiệm vụ chung của toàn cầu nhằm đảm bảo một tương lai bền vững./.
NBCA