Quảng Nam là một trong những vùng ưu tiên về đa dạng sinh học (ĐDSH) ở khu vực miền Trung và cả nước. Trong quá trình phát triển, Quảng Nam luôn quan tâm đến phục hồi đa dạng sinh học, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Quảng Nam là địa phương đăng cai tổ chức hàng loạt hoạt động năm 2024 về “Phục hồi đa dạng sinh học”.
Vùng đất giàu tiềm năng về đa dạng sinh học
Quảng Nam là địa phương có tính đa dạng sinh học cao, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên của Trung Trường Sơn. Quảng Nam có 13 kiểu hệ sinh thái đặc trưng cho cả 3 vùng đa dạng sinh học rừng, đất ngập nước và biển, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế;, nơi có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như: Sao la, hổ và voi châu Á, voọc chà vá chân xám, khướu Ngọc Linh, mang Trường Sơn, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển…
(Quảng Nam:Bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền tăng trưởng xanh)
Đến nay, tỉnh có bảy khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, bao gồm một
phần Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học là Công viên Chăm sóc và Bảo tồn động vật Vinpearl River Safari Nam Hội An. Trong đó, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (được UNESCO công nhận năm 2009) và Vườn quốc gia Sông Thanh (huyện Nam Giang) là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích hơn 76.669ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam là một trong những địa phương tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Năm 2005, tỉnh đã ban hành Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng phía tây; đến năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Cùng với đó, Quảng Nam đã thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tại huyện Nông Sơn; Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh và thiết lập hành lang đa dạng sinh học tỉnh.
(Một góc Cù Lao Chàm)
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF đánh giá, Quảng Nam đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tiêu biểu như, tỉnh đã tăng nhanh chóng độ che phủ rừng, tái phát hiện loài sao la bằng bẫy ảnh WWF vào năm 2013; sự xuất hiện trở lại nhiều hơn các loài như mang lớn, mang Trường Sơn, rùa Trung Bộ; sự phục hồi đàn voọc chà vá chân xám với quần thể rất lớn tại xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành). WWF xác định, Quảng Nam là vùng ưu tiên về đa dạng sinh học ở miền trung Việt Nam và nằm trong tốp 200 vùng sinh thái được ghi nhận trên toàn thế giới.
Bảo tồn gắn liền tăng trưởng xanh
Thực hiện phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung quy hoạch thành lập các cơ sở bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm hoặc có giá trị kinh tế cao; coi trọng việc bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học. Bên cạnh việc nâng cấp các khu bảo tồn hiện có, thành lập thêm các khu bảo tồn mới, các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học. Mặt khác, chính quyền và các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách; giải quyết từng bước sinh kế, nâng cao mức sống của người dân địa phương trong vùng quy hoạch các khu bảo tồn.
Trong đợt kiểm tra hiện trạng rừng ở Vườn quốc gia Sông Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nêu vấn đề phục hồi đa dạng sinh học gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái có ý nghĩa rất quan trọng, do đó, chúng ta không quá tập trung phát triển kinh tế-xã hội mà không chú ý đến phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái tự nhiên. Thời gian tới, địa phương đẩy mạnh thu hút các khối tư nhân đầu tư nghiên cứu xây dựng tín chỉ carbon rừng đối với các vùng rừng xung yếu, đồng thời tranh thủ cơ hội có thể bán được tín chỉ carbon rừng để người dân trong vùng bảo tồn được tiếp tục hưởng lợi ngoài chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Có thể nói, thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Nam một lợi thế là sự đa dạng sinh học. Đây là tiềm năng để tỉnh phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh của mình với tư cách một địa phương phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được tài sản quý giá của ông cha và theo xu hướng thế giới, một sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Để biến tiềm năng này thành hiện thực, nhất là bảo đảm sự hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự chung tay, nỗ lực tích cực của cả chính quyền và người dân địa phương./.
NBCA