Quy định về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên của các Bộ, ngành

Công tác quản lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên, ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Những di sản thiên nhiên không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.

Theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý di sản thiên nhiên được giao được giao cho các Bộ, ngành cùng tham gia quản lý, cụ thể tại Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, di sản thiên nhiên bao gồm:

Một là, Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản;

Ha là, danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

Bà là, di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận;

Bốn là, di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật này và căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây: Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên; Có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn; Có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất; Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối và phân bổ ngân sách cho các khu bảo tồn, thông qua quá trình lập ngân sách hàng năm được thực hiện cùng với Bộ chuyên ngành và các tỉnh, để triển khai có hiệu quả và kịp thời những yêu cầu trong Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chính trong công tác quản lý hệ thống rừng đặc dụng trong cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có trách nhiệm rà soát kế hoạch đầu tư và phân bổ ngân sách cho các ban quản lý khu bảo tồn, giám sát việc thực hiện các chương trình của Chính phủ hỗ trợ quản lý khu bảo tồn và đánh giá các dự án đầu tư thành lập rừng đặc dụng. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn thực hiện trách nhiệm quản lý biển, nước lợ và nước ngọt bao gồm các khu vực nuôi trồng thủy sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện Công ước Ramsar, Công ước Đa dạng sinh học và phối hợp thực hiện Kế hoạch Hành động Đa dạng sinh học của Việt Nam. Là cơ quan đầu mối quốc gia đối với Công ước Ramsar và Công ước Đa dạng sinh học, đề cử khu Ramsar và khu dự trữ sinh quyển.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có trách nhiệm quản lý di tích lịch sử – văn hóa, được phân loại là rừng đặc dụng trong phân loại là khu bảo vệ cảnh quan, chịu trách nhiệm xây dựng Chiến lược phát triển du lịch quốc gia và quảng bá du lịch tại các Vườn Quốc gia và các di tích văn hóa và lịch sử.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý đối với tất cả các vườn quốc gia còn lại (trừ 9 vườn quốc gia trực thuộc Trung ương) và quản lý tất cả các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu bảo tồn loài và sinh cảnh. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và huyện có trách nhiệm triển khai nội dung của Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học tại địa phương mình./.

NBCA