Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar) được ký tại thành phố Ramsar, Iran vào năm 1971 là một thỏa thuận liên Chính phủ nhằm cung cấp khung hoạt động cho các Kế hoạch hành động quốc gia, hợp tác quốc tế về bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước đã định nghĩa “Sử dụng khôn khéo đất ngập nước là việc duy trì đặc tính sinh thái của chúng, đạt được thông qua việc thực hiện cách tiếp cận hệ sinh thái trong bối cảnh phát triển bền vững”.
Đặc tính sinh thái là sự kết hợp của các thành phần, quá trình và lợi ích/ dịch vụ của hệ sinh thái, đặc trưng cho đất ngập nước tại một thời điểm nào đó. Sử dụng khôn khéo đất ngập nước còn được hiểu là “Duy trì các lợi ích/dịch vụ hệ sinh thái nhằm đảm bảo duy trì lâu dài đa dạng sinh học cũng như sự thịnh vượng của con người và xóa đói giảm nghèo”. Sử dụng khôn khéo đất ngập nước là việc sử dụng các vùng đất ngập nước vì lợi ích của loài người sao cho tương thích với việc duy trì các thuộc tính tự nhiên và chức năng của hệ sinh thái đất ngập nước cũng như các mối tương tác giữa chúng và tuân theo các nguyên tắc của Ramsar. Đơn giản hơn có thể hiểu sử dụng khôn khéo đất ngập nước chính là sử dụng các vùng đất ngập nước một cách hiệu quả và bền vững nhằm đáp ứng các nhu cầu/lợi ích của con người, phù hợp với điều kiện tự nhiên, sức chống chịu/ hồi phục của hệ sinh thái trong vùng. Việc sử dụng khôn khéo đất ngập nước không chỉ giúp hạn chế biến đổi khí hậu, cung cấp dịch vụ hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh vượng của con người và xóa đói giảm nghèo.
Sử dụng khôn khéo, sử dụng bền vững đất ngập nước hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Sử dụng khôn khéo và bền vững đất ngập nước đều quan tâm đến phát triển hài hòa bốn yếu tố: (i) Khai thác, sử dụng đất ngập nước để phát triển kinh tế – xã hội, sinh kế bền vững; (ii) Bảo tồn, duy trì giá trị và chức năng sống còn của đất ngập nước – tính bền vững; (iii) Bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào đất ngập nước; (iv) Xây dựng và thực hiện thể chế chính sách, quy hoạch sử dụng bền vững, sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước; lồng ghép chúng vào chính sách phát triển nói chung. Trong đó: (i) và (ii) là mối quan hệ hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; (ii) và (iii) là hài hoà giữa bảo tồn đất ngập nước – bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; (iii) và (iv) cần phải lồng ghép trong quá trình thực hiện; và (iv) dựa vào thể chế chính sách để có thể quy hoạch bảo tồn, sử dụng khôn khéo, sử dụng bền vững đất ngập nước. Trước đó cần phải nhận thức được lợi ích mà sử dụng khôn khéo, sử dụng bền vững đất ngập nước mang lại và trách nhiệm của các bên liên quan, để từ đó có sự đồng thuận thực hiện và các giải pháp phù hợp.
Đất ngập nước vững bền, con người khỏe mạnh
Đất ngập nước có đặc tính sinh thái đặc biệt tạo nên bởi ba thành phần chính (nước, đất và sinh vật) và có giá trị sống còn cần phải duy trì, phát triển, mang lại ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và sinh kế của người dân địa phương. Bên cạnh việc cung cấp nguồn nước ngọt, đất ngập nước còn tác động tới nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống con người. Về an ninh lương thực, trong hàng nghìn năm, con người đã xây dựng các khu định cư gần vùng đất ngập nước để trồng trọt, chăn nuôi đánh bắt thuỷ sản, khai thác các nguồn thực phẩm và nước ngọt. Hiện nay, đất ngập nước đang bị đe dọa và suy thoái nhanh chóng, biểu hiện ở các khía cạnh: suy giảm diện tích đất ngập nước tự nhiên; suy thoái đa dạng sinh học, các chức năng và giá trị dịch vụ của đất ngập nước, ô nhiễm môi trường vùng đất ngập nước; xung đột xã hội trong sử dụng đất ngập nước; biến đổi khí hậu, thiên tai làm tổn thương nghiêm trọng đất ngập nước. Do đó, để đảm bảo an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa cần sử dụng nguồn nước hiện có hiệu quả hơn, ngăn chặn sự xuống cấp và mất đất ngập nước, khôi phục các vùng đất ngập nước đã bị suy thoái./.
NBCA